TS. Vũ Tiến Lộc: Giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án đang là lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp

23:59 21/05/2023

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đại biểu Quốc hội, giải quyết tranh chấp thương mại bằng các phương thức ngoài tòa án đang là sự lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án đang là lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp (DN) bởi nhiều lợi ích. Khảo sát của một số trường đại học tại Hoa Kỳ và Singapore cho thấy, hơn 90% giao dịch xuyên biên giới sử dụng phương thức hòa giải, trọng tài kinh tế. Tại Việt Nam, khảo sát PCI của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2022 vừa công bố mới đây, có 92% DN FDI khẳng định, sử dụng trọng tài kinh tế, hòa giải thương mại là sự lựa chọn trong tranh chấp kinh doanh.

Ảnh minh họa
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Theo Luật Thương mại 2005 có các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án bao gồm: thương lượng giữa các bên; hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải; giải quyết tại trọng tài.

TS. Vũ Tiến Lộc nhận định rằng, hòa giải thương mại hiện nay đã rất phổ biến, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển và được các cá nhân, tổ chức, DN ưa chuộng bởi những ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, nó bảo đảm được quyền tự quyết của các bên, mang tính chất tự nguyện và thân thiện. Hòa giải vừa giải quyết được công việc một cách êm đẹp, lại vừa duy trì được quan hệ đối tác bền vững, tiết kiệm thời gian và chi phí.

TS. Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, việc DN đưa nhau ra tòa là chuyện bất đắc dĩ. Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp tranh chấp của DN được giải quyết thông qua các hình thức ngoài tòa án.

Mỗi năm có khoảng 300 vụ việc được Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tiếp nhận giải quyết, trong đó có 60% liên quan đến giao dịch xuyên biên giới, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp cần có sự hỗ trợ pháp lý của các trung tâm trọng tài quốc tế (hiện nay phán quyết của VIAC được công nhận, thi hành tại 170 quốc gia, vùng lãnh thổ theo Công ước New York 1958).

Thực tế hiện nay, đã và đang có 4 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, gồm: thương lượng, hòa giải, tòa án hoặc trọng tài thương mại. Mỗi phương thức đã nêu đều có những ưu điểm, hạn chế nhất định, phụ thuộc vào sự lựa chọn của các chủ thể có nhu cầu giải quyết tranh chấp. Khi có tranh chấp thương mại xảy ra, các bên trong tranh chấp đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết tranh chấp bảo đảm tốt nhất quyền lợi, giảm thiểu sự ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên, ít tốn kém về thời gian và tiền bạc.

Trong thời gian tới, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đẩy sẽ đẩy mạnh hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại bằng các phương thức ngoài tòa án góp phần giảm tải cho tòa án. Tại Tuần lễ Trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam 2023, VIAC đã ký kết 20 văn bản thỏa thuận với 19 hiệp hội ngành hàng và hiệp hội tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh rủi ro trong hoạt động thương mại, xử lý tranh chấp thông qua trọng tài kinh tế, hòa giải.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải là một trong những phương thức mang đến nhiều ưu điểm bởi tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, sự linh hoạt, ít tốn kém, ít chịu sự chi phối của các nguyên tắc hay hoạt động của các cơ quan công quyền. Đặc biệt với sự tham gia của người thứ ba vừa đảm bảo sự hiểu biết chuyên môn ở lĩnh vực tranh chấp và đáp ứng niềm tin của các bên góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của phiên hòa giải trong tranh chấp thương mại.

Tuy nhiên, hiệu quả trên thực tế của phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải còn gắn liền với các thành tố khác như ý thức thực hiện các cam kết, thỏa thuận hay sự trung thực và thiện chí của các bên.

Trong thời gian tới, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đẩy sẽ đẩy mạnh hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại bằng các phương thức ngoài tòa án góp phần giảm tải cho tòa án. Tại Tuần lễ Trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam 2023, VIAC đã ký kết 20 văn bản thỏa thuận với 19 hiệp hội ngành hàng và hiệp hội tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh rủi ro trong hoạt động thương mại, xử lý tranh chấp thông qua trọng tài kinh tế, hòa giải.

T.H