Vì sao mà tổng vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh trong năm 2020?

14:38 28/12/2020

Tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2020 đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê. Theo đánh giá, tiến trình cổ phần hoá của nhà nước chậm đã làm ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2020 đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019

Tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2020 đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.

Góp vốn mua cổ phần giảm 

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Vốn FDI thực hiện năm 2020 ước tính đạt gần 20 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước.

Trong đó có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước.

Có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%. Có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD.

Số liệu: Tổng cục Thống kê
Số liệu: Tổng cục Thống kê.

Các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần giảm mạnh được lý giải do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid 19. Công ty tư vấn PwC Việt Nam cho rằng, cú sốc toàn cầu khi đại dịch bùng phát đã khiến các doanh nghiệp gác lại các khoản đầu tư lớn, song song với đó những biện pháp kiểm soát được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã đóng băng các hoạt động thương vụ trong nước và quốc tế.

Người mua đang trì hoãn việc quyết định giá mua sang các năm tiếp theo do không chắc chắn về các dự phóng và định giá trong bối cảnh đầy biến động của Covid 19.

Cổ phần hoá chậm trễ khiến tổng giá trị FDI vào Việt Nam sụt giảm

Bên cạnh nguyên nhân khách quan theo xu thế chung của thế giới thì tiến trình cổ phần hoá của nhà nước chậm cũng làm ảnh hưởng đến sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến giá trị và tỷ lệ góp vốn mua cổ phần giảm mạnh so với hai năm 2018 - 2019.

Theo báo cáo của Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 -2020 phải hoàn thành cổ phần hoá 128 doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 37 doanh nghiệp cổ phần hoá, đạt 28% kế hoạch, còn lại 91 doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hoá.

Theo báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), tiến độ cổ phần hóa các DN trong 11 tháng của năm 2020 còn chậm.

Trong 11 tháng năm 2020, Cục Tài chính DN đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 7 DN, trong đó có 01 DN thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Công ty TNHHMTV Giống gia súc Hải Dương;  01 Tổng công ty được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN hoàn thành công bố giá trị DN đó là Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVENGENCO2).

Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 11/2020, có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.

Trong 178 DN đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 DN cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).

Theo Kế hoạch, số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa trong tháng 12/2020 là 91 DN. Trong đó, TP. Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 13 DN (04 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN cổ phần hóa 6 DN (3 tập đoàn, 03 tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 DN (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 tổng công ty...

Về tình hình thoái vốn nhà nước, trong 11 tháng đầu năm 2020, các DN đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước tại các DN

Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 11/2020, đã thoái 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước tại các DN. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 103 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.966 tỷ đồng, thu về 9.647 tỷ đồng (đạt 30% về số lượng và 8% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Về tình hình thoái vốn nhà nước tại các DN ngoài danh mục theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg đạt 3.785 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.996 tỷ đồng, thu về 53.063 tỷ đồng. 

Kết quả trong 11 tháng đầu năm cho thấy, tốc độ thoái vốn đã có cải thiện, tuy nhiên vẫn còn chậm so với kế hoạch.

“Nhà đầu tư nước ngoài họ rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn vì công ty nhà nước sở hữu nguồn tài nguyên lớn như đất đai, vị trí địa lý, ngành nghề… Do đó, việc cổ phần hoá, thoái vốn chậm trễ làm ảnh hưởng đến dòng vốn mua bán sáp nhập và khiến tổng giá trị FDI vào Việt Nam sụt giảm”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói. 

Bên cạnh đó, theo ông Toàn, Việc Nam còn nhiều hạn chế nội tại như chất lượng nguồn nhân lực dù được cải thiện nhưng vẫn nằm trong top dưới ASEAN. Hệ thống logistics còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và giá thành khá cao so với khu vực... Môi trường pháp lý đã được cải thiện, song việc thực thi còn nhiều bất cập... Thậm chí, còn tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh” còn gây quan ngại cho các nhà đầu tư…

Bảo Bảo