Ứng dụng công nghệ để phát triển thương mại điện tử và logistics hiện đại, bền vững

16:43 16/05/2024

Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng.

Tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ để phát triển thương mại điện tử và logistics hiện đại, bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 16/5, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics có vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng và đóng góp ngày càng lớn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và có lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Ứng dụng công nghệ để phát triển thương mại điện tử và logistics hiện đại, bền vững
Ứng dụng công nghệ để phát triển thương mại điện tử và logistics hiện đại, bền vững.

Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Theo ông Trần Thanh Hải, để đạt được Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 là 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics đạt 14-16%/năm với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics đã được nâng cao.

Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của thương mại điện tử: “Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á, do vậy dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn cần thiết. Xu hướng chuyển đổi số, thay đổi hành vi mua sắm và các yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.”

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng cho biết, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn. Cùng với đó, Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng nhấn mạnh logistics là một trong tám ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.

P.V (t/h)