Việc giãn cách xã hội là chưa cần thiết?

18:27 22/05/2021

Ghi nhận trong nước trong 24h qua đã có 131 ca mắc Covid-19 (trong đó, Bắc Giang 39 ca, Bắc Ninh 13 ca, Đà Nẵng 2 ca, Lạng Sơn 1 ca, BV K Cơ sở Tân Triều 2 ca…). Tính từ 27/04/2021 đến nay cả nước có 1.892 ca mắc Covid-19 tại 30 tỉnh/thành phố. Tính ra trung bình mỗi ngày có hơn 100 ca mắc mới. Hiện vẫn chưa có địa phương nào thực hiện giãn cách xã hội mặc dù đợt dịch này khá phức tạp, diễn biến khôn lường

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị tích cực kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị tích cực kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang. (Ảnh: Internet)

Lý giải vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện giãn cách xã hội tại địa phương cũng như cả nước, Đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhấn mạnh vì việc này chưa cần thiết. Cụ thể, ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam nói: “Nếu như tình hình diễn biến quá phức tạp, chúng ta không kiểm soát được nguy cơ, không kiểm soát được lây lan thì lúc đó chúng ta phải thực hiện giãn cách toàn quốc. Nhưng thời điểm này chúng ta chưa cần phải làm điều này. Việt nam chúng ta vẫn đang có hình thức giãn cách rất khôn ngoan. Cụ thể là thực hiện phong tỏa tại thôn, xã…; đó đều là những biện pháp rất hữu ích để tránh các ảnh hưởng không đáng có đến sự phát triển kinh tế, xã hội, an nguy của người dân và quan hệ quốc tế”.

Các lãnh đạo cũng đã nhận định, đến thời điểm hiện tại tình hình kiểm soát dịch bệnh trên cả nước khá tốt, đảm bảo thực hiện tốt công cuộc phòng chống dịch bệnh để thực hiện tốt nhất cho ngày bầu cử của toàn dân tộc.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu các đơn vị tích cực kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt tỉnh Bắc Giang phải quản lý chặt các công nhân làm trong các KCN, không để lây lan dịch bệnh. Lãnh đạo cũng yêu cầu đổi mới xét nghiệm trên toàn quốc, khuyến khích các tỉnh tích hợp các loại xét nghiệm, tăng cường công suất bằng các xét nghiệm mẫu gộp, ứng dụng CNTT để quản lý quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của việc xét nghiệm nhanh, công nhân có thể chủ động xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát của nhân viên y tế để đảm bảo an tòan trong sản xuất của các doanh nghiệp. 

Ông Trần Đắc Phu nói “Nếu như tình hình diễn biến quá phức tạp, chúng ta không kiểm soát được nguy cơ, không kiểm soát được lây lan thì lúc đó chúng ta phải thực hiện giãn cách toàn quốc. Nhưng thời điểm này chúng ta chưa cần phải làm điều này…
Ông Trần Đắc Phu nói “Nếu như tình hình diễn biến quá phức tạp, chúng ta không kiểm soát được nguy cơ, không kiểm soát được lây lan thì lúc đó chúng ta phải thực hiện giãn cách toàn quốc. Nhưng thời điểm này chúng ta chưa cần phải làm điều này… (Ảnh: Internet)

Bộ Y tế chỉ đạo 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang xây dựng hình mẫu chống dịch tại KCN. Nếu phát sinh dịch tại KCN khác thì áp dụng để không bị lúng túng. Đại diện Bộ Y tế khẳng định người dân nằm trong đối tượng phải xét nghiệm sàng lọc, truy vết theo yêu cầu, chỉ định của cơ quan Y tế; hoặc một số đối tượng như người đi nước ngoài, người đến bệnh viện, thì tích cực, chủ động tham gia để hỗ trợ cơ quan Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên Bộ Y tế cũng không khuyến khích người dân tự bỏ tiền túi để xét nghiệm dịch vụ.

Không chỉ vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn các địa phương từ các huyện đến xã thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống, dịch. Cũng như biểu dương các doanh nghiệp, người dân thời gian qua đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, tích cực tham gia phòng, chống dịch.

Được biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc-xin phòng dịch Covid-19.

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng chung tay để đảm bảo thực hiện tốt việc tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19. Mới đây, thông qua Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng đã trao 100 tỷ đồng để mua vaccine từ sự đóng góp của 4 Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank (mỗi ngân hàng 25 tỷ đồng). 

Đại diện tập đoàn Vingroup trao ủng hộ số tiền tương đương 4 triệu liều vaccine thông qua Bộ Y tế. Ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, sự ủng hộ, sát cánh với ngành y tế là trách nhiệm của toàn tập đoàn.

Ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank trao ủng hộ 60 tỷ đồng, tương đương 1 triệu liều vaccine, ông cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bô Y tế- các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch.

Bộ Y tế đặt mục tiêu có 150 triệu liều vắc xin trong năm 2021.

Diệu Hồng