Viết từ khu cách li tập trung huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

09:03 30/08/2021

Hạ cánh xuống sân bay Phù Cát lúc đã xế chiều, một ông cụ không giấu nỗi xúc động, giọng run run: “Tới quê rồi hả con!”. Hơn 20 chiếc xe buýt được điều động bằng lực lượng quân nhân, xếp theo hàng ngay ngắn trước lối ra sân bay sẵn sàng đón người về khu cách li tập trung.

Những kỉ niệm khó quên tại khu cách li 

Dòng người ra khỏi sân bay được chia làm nhiều tốp, mỗi tốp tầm 10-15 người, phút chốc 200 người đã lên xe.Không ngại cái nắng cháy da thịt, từ cổng sân bay đến khu vực cổng chào doanh trại quân đội, các chiến sĩ được trang bị đồ bảo hộ, sau lưng mang bình khử khuẩn nặng 20 kg đứng sẵn 2 bên đường phun khử toàn bộ các chuyến xe ra vào.

Dòng xe đi xuyên qua những con đường quê thân thuộc. Lướt qua những mái nhà cao tầng kiêu hãnh kề bên những mái nhà đã cũ xưa. Tôi thầm thì: “Quê hương đang đổi mới !” 

nhn
Những người thầm lặng sau mỗi chuyến bay đưa đồng hương về quê. Ảnh: Mỹ Dung

Còn đang trong dòng suy nghĩ miên man thì xe đã về tới khu cách li, bà con được chia 4 người một phòng. Người có bầu ở chung phòng với người có bầu. Đàn ông ở với đàn ông. Phụ nữ ở cùng phụ nữ. Những ai đi theo diện gia đình ở chung với nhau. Bộ phận xếp phòng sắp xếp đâu ra đó, quy củ, nhanh chóng, nghiêm túc.

Bà con ai nấy xếp đồ gọn gẽ xong thì trời đã chập tối, 17 giờ 30 phút, một chú bộ đội đẩy xe cơm tới, đứng gọi cách khu nhà cách li 10m rồi gọi lớn: “Bà con xuống lấy cơm đi !”. Vẫn chưa quen lắm với cách phát cơm từ xa này, nhiều phòng vẫn chưa ra lấy. Tôi đứng nép sau cánh cửa ngó ra, thấy vậy, chú bộ đội mặc quân phục quắt tay ra hiệu ra lấy cơm, tôi chạy ra lấy 4 hộp cho cả phòng rồi chạy ù vào nhà. 

Những suất cơm thắm đượm tình quê
Những suất cơm thắm đượm tình quê. Ảnh: Mỹ Dung 

Đói từ sáng, cả 4 người phòng tôi ăn ngon lành. Cô lớn tuổi nhất phòng căn dặn: “Mấy đứa ráng ăn vô lấy sức chống dịch. Đồ ăn ở đây cho bộ đội nên người ta nấu như vậy, đừng có khen chê gì mang tội nghen con!”

Vừa ăn cô bé sinh viên Đại học Văn Lang vừa cười ngây thơ: “Con thấy ngon hơn cơm sinh viên nhiều cô ơi, với tụi con như thế này là quá tốt rồi. Quê mình khó khăn, dân mình còn khổ mà đòi hỏi gì nhiều nữa bây giờ.”.

Cơm nước xong, một chú bộ đội làm công tác tuyên truyền đi từng phòng dặn dò, giọng dứt khoát, dõng dạc: “Ai nằm giường nấy và không nói chuyện với nhau, thực hiện 5K nha bà con. Có thấy dấu hiệu gì khác thường trong người phải báo liền với cán bộ gần nhất để được hỗ trợ, bà con đừng ngại.”

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình…

Theo Thiếu tá Huỳnh Khắc Nhân, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Bộ binh 739, UBND tỉnh Bình Định giao đơn vị nhiệm vụ tiếp đón và phục vụ công dân cách li từ vùng dịch, công dân đã nhiễm dịch. Tính từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 350 công dân từ Nhật Bản về. Ngoài ra, cũng đón gần 100 thuyền viên là người Việt Nam và người nước ngoài từ các quốc gia có dịch cập cảng Quy Nhơn như: Indonexia, Thái Lan, Đài Loan, Singapore,… về đây cách li tập trung. Tổng số lượng công dân cách li tại đây từ các tỉnh, thành phố có dịch như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và các địa phương trong tỉnh là trên 1000 người. 

Những ngày tháng cách li trong doanh trại bộ đội huyện Phù Cát Bình Định sẽ là những kỉ niệm khó quên
Những ngày cách li tạp trung tại huyện Phù Cát, Bình Định sẽ là những kỉ niệm khó quên. Ảnh: Mỹ Dung

“Nhận nhiệm vụ, chúng tôi phối hợp với Trung tâm y tế huyện Phù Cát và công an, cảnh sát giao thông dẫn đường chuẩn bị công tác tiếp đón, công tác giáo dục, công tác tuyên truyền qua phát thanh và trực tiếp trong đơn vị để làm sao đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho bà con về đây cách li, phân loại công dân mức có nguy cơ cao để phân chia các khu ở hợp lí, thực hiện đúng quy định giãn cách của Bộ Y tế và Chính phủ.”

Thiếu tá Nhân cho biết, dù rất ít nhưng vẫn có trường hợp bỏ trốn.“Tại đây đã có một trường hợp từ Nhật về cách li, và bỏ trốn, người này có dấu hiệu tâm thần. Tuy nhiên ngay sau đó, chúng tôi lập tức phối hợp chính quyền cán bộ phục vụ cách li bắt giữ và cách li. Ở đây, chúng tôi cũng thỉnh thoảng gặp những tình huống khó khăn nên các chiến sĩ phải rất cảnh giác.” 

Nhớ ra một người quen cũ công tác tại đây, tôi vội lấy điện thoại hỏi thăm. Nghe giọng tôi, anh mừng lắm, và nói đã ở lại đây từ hồi tháng 3/2020 đến nay để phục vụ bà con khu cách li. Từ đó, chưa lần về thăm nhà, chỉ có thể gọi điện về động viên vợ con an tâm hơn. Giọng anh nghẹn ngào qua loa điện thoại: “Gần năm rồi, chỉ nhìn 2 đứa con qua cái điện thoại nhỏ. Chắc tụi nó cũng quên mặt cha rồi. Nhưng có hề gì, bộ đội mà, quen rồi. Ở Sài Gòn các chiến sĩ, các bác sĩ và y tá họ suốt ngày mặc bộ đồ bảo hộ nóng hừng hực, làm việc trong môi trường oi bức, trong mưa gió, thậm chí không có thời gian để ăn, ngủ lăn lóc, đuối đâu ngủ đó thì thấy mình còn may mắn lắm!”, Thiếu tá Lâm Phú Phong, Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 3, Trung đoàn Bộ binh 739 xúc động.

Ở những khu cách li như thế này, tôi biết không chỉ có anh, các chiến sĩ ngày đêm canh gác, còn các đoàn y tế kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho bà con, các “anh nuôi, chị nuôi”  âm thầm thực hiện nhiệm vụ…

Rồi đây, người trẻ sẽ làm gì cho quê hương?

Đứng cạnh hành lang, cảm nhận làn gió đêm lùa qua da, trong gió, có mùi mồ hôi mỗi buổi làm đồng về của ba má tôi, có mùi cánh đồng lúa chín, mùi đất đai xứ sở xộc vào cánh mũi nghe cay cay. Rồi đây, khi đất nước không còn dịch bệnh, người dân sẽ quay về với cuộc sống, nhưng tôi sẽ nhớ mãi những thời khắc như thế này để sống ý nghĩa hơn. Rồi đây, những người trẻ có còn hi vọng gì ở miền đất hứa- Sài Gòn- nơi đã bao bọc nuôi sống họ và gia đình bấy nhiêu năm? 

Căn bếp nơi phục vụ cơm ngày gần 600 phần cho bà con khu cách li tập trung
Căn bếp nơi phục vụ cơm ngày gần 600 phần cho bà con khu cách li tập trung.

Tôi liều lĩnh bước sang phòng bên, đứng ngoài ô cửa sổ hỏi han. Anh Đặng Xuân Lộc, 31 tuổi Ân Đức- Hoài Ân, làm nghề thợ hồ ở Sài Gòn, anh nói đã thất nghiệp 4 tháng ở Sài Gòn, giờ quyết định về quê làm phụ hồ với ngày lương 280 nghìn đồng, nếu Sài Gòn trở lại bình thường, anh vẫn sẽ quay lại. Cùng chung hoàn cảnh, anh Đoàn Văn Hảo, người Canh Hòa – Vân Canh làm thợ mộc, khăn gói về quê với hi vọng về quê làm “thợ đụng” rồi chờ Sài Gòn khỏe lại sẽ vô.

Trở về phòng với những niềm riêng, nằm kề giường tôi cô Lê Thị Sáu, 63 tuổi, Tân Vinh huyện Vân Canh) sụt sùi: “Quê còn 2 sào đất trồng lúa, cô sẽ nuôi vài cặp gà lấy trứng. Giờ trước tiên lãnh dây mây về đan bàn ghế, ngày được tầm 100 ngàn đồng, cũng đủ ăn uống, chồng cô làm chủ nhiệm hợp tác xã lương được 4 triệu đồng một tháng, hai vợ chồng già túc tắc qua ngày như vậy, coi như cũng êm xuôi, chỉ lo cho mấy đứa con còn ở Sài Gòn…”

Sài Gòn sẽ khỏe lại, người Bình Định với những tính cách cần cù, chịu thương chịu khó, chung thủy, nói là làm vẫn mong sớm quay lại, mong được góp phần nhỏ xây dựng một thành phố tươi đẹp hơn, phát triển hơn.

Đỗ Mỹ Dung