Vietnam Airlines và Vietjet Air cạnh tranh thị phần trên sân nhà

15:16 08/07/2024

Kirin Capital đánh giá thị phần tăng thêm của 2 "ông lớn" hàng không kể trên phần lớn do "miếng bánh" mà Bamboo Airways để lại sau khi quyết liệt tái cấu trúc năm 2024.

Vietnam Airlines và Vietjet Air đang chia nhau phần lớn
Vận tải hành khách hàng không đang là cuộc chơi của 2 "ông lớn" Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Theo Báo cáo "Vận tải hàng hóa hàng không - Động lực mới" do Kirin Capital vừa công bố, thị phần của hai "ông lớn" đầu ngành là Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt đạt 42,2% và 42,8%, gia tăng đáng kể so với năm 2023 khi chỉ ở mức lần lượt là 36,7% và 38,6%.

Kirin Capital đánh giá thị phần tăng thêm của 2 "ông lớn" hàng không kể trên phần lớn do "miếng bánh" mà Bamboo Airways để lại sau khi quyết liệt tái cấu trúc năm 2024. Tính đến nay, thị phần của Bamboo Airways chỉ còn khoảng 7,4%.

Đối với Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) dù thành lập từ năm 1991 và tiên phong trong mảng vé máy bay giá rẻ song thị phần của hãng dần co hẹp do những hãng đến sau chiếm lĩnh.

Thị phần của Pacific đã giảm từ 12,1% năm 2018 xuống chỉ còn 2,4% trong 5 tháng đầu năm nay. Sau 3 tháng ngừng bay, chuyến bay đầu tiên của Pacific Airlines cất cánh trở lại trên các đường bay nội địa từ cuối tháng 6 sau tái cơ cấu.

Theo Kirin Capital, đi cùng với sự hồi phục của ngành hàng không, số lượt khách quốc tế quay trở lại thị trường Việt Nam ngày một gia tăng. Kể từ khi chạm đáy khi chỉ có vỏn vẹn 540 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không trong năm 2021, đến hết năm 2023, số lượng khách quốc tế đã phục hồi trở lại và đạt mức 32 triệu lượt, chiếm 43,2% trên tổng số lượt khách.

Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cũng cho thấy sự phục hồi hoàn toàn về lượng khách quốc tế. Cụ thể, trong 06 tháng đầu năm 2024, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023. Tính riêng khách quốc tế đạt hơn 21 triệu khách, tăng hơn 44% so với cùng kỳ 2022 và vượt so cùng kỳ 2019 ở mức 3%.

"Tính đến lịch bay mùa hè 2024, 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn mạng đường bay quốc tế như giai đoạn trước dịch Covid-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia. Các hãng hàng không Việt Nam chiếm 44% thị phần hành khách quốc tế với hệ số sử dụng ghế trung bình trên 77%", lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Mặt khác, số lượng khách nội địa lại cho thấy dấu hiệu sụt giảm nhẹ từ mức 43,2 triệu lượt khách năm 2022 xuống chỉ còn 42 triệu lượt năm 2023, chiếm gần 57% tổng vận tải khách hàng.

Tiếp đà sụt giảm, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm nay mới đạt 17 triệu khách, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

"Sự sụt giảm lượng khách nội địa trong năm 2023 cho thấy xu hướng du lịch trả thù có thể đã dần kết thúc", Kirin Capital đánh giá.

Kéo theo đó, số lượng chuyến bay khai thác trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 đều cho thấy dấu hiệu sụt giảm nhẹ.

Cụ thể, tổng số chuyến bay khai thác trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt lần lượt 281.629 và 107.068 chuyến, giảm 10% và 9% so với cùng kỳ năm trước đó.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường hàng không nội địa giảm so cùng kỳ năm 2023 và 2019 được lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra là do thiếu hụt đội máy bay nên các hãng hàng không phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa.

Dù vậy, các hãng vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM và 20 cảng hàng không, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 84%.

Cũng theo Kirin Capital, thị trường vận tải hàng hóa – bưu kiện tiếp tục thu hẹp về quy mô. "Nguyên nhân chủ yếu của sự thu hẹp này đến từ việc chịu ảnh hưởng chung của suy yếu kinh tế hậu Covid-19", chuyên gia Kirin Capital đánh giá.

Kirin Capital trích báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam ACV, trong năm 2023, sản lượng hàng hoá – bưu kiện phục vụ chỉ còn đạt 1.264 nghìn tấn, sụt giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo như ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, xét về mặt sản lượng, hàng hoá vận tải hàng không chỉ chiếm khoảng 1% trên tổng khối lượng hàng hoá của tất cả các loại hình vận tải khác, song giá trị của lượng hàng hoá này lại chiếm tới 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, việc sụt giảm sản lượng trong 2 năm vừa qua là điều khó có thể tránh khỏi khi nhu cầu mua hàng hoá giá trị cao của người dân sụt giảm vì kinh tế khó khăn.

Về mặt thị phần vận tải hàng hoá hàng không, theo như ông Đỗ Xuân Quang chia sẻ, thật đáng buồn là các hãng hàng không Việt Nam hiện chỉ khai thác được khoảng 12% lượng hàng hoá quốc tế, còn lại 88% thị phần vẫn rơi vào tay các hãng hàng không nước ngoài.

Điều đó cho thấy, đây vẫn là miếng bánh hết sức màu mỡ cho các hãng hàng không trong nước. Song, thực trạng hiện nay cho thấy, các hãng hàng không trong nước vẫn chỉ chủ yếu vận chuyển bằng bụng máy bay khách hàng với tải trọng mỗi chuyến chỉ đạt 8 – 10 tấn. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đã có máy bay loại Freighter, Boeing 747 – 400 tải trọng 100 tấn chuyên vận tải hàng hoá.

Chính vì vậy để gia tăng năng lực cạnh tranh, các hãng hàng không trong nước cần phải có sự đầu tư bài bản để từ đó từng bước lấy lại miếng bánh thị phần từ các hãng hàng không nước ngoài.

Tú Anh (t/h)