Vĩnh Phúc: Từng bước nâng cao đời sống của người lao động

07:49 11/11/2021

Bên cạnh chế độ bảo đảm tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chính sách an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, thì một số chính sách phúc lợi xã hội đối với người lao động, như nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp, hỗ trợ đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến nay có 35 dự án nhà ở xã hội đã được giao chủ đầu tư với tổng diện tích sử dụng đất 133,1 ha, cung cấp khoảng 21.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp,. Hiện đã đưa vào sử dụng 6 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 1.400 căn, chủ yếu ở 2 thành phố: Vĩnh Yên và Phúc Yên. Để hỗ trợ người lao động đi lại bằng phương tiện công cộng, tỉnh đưa vào hoạt động 8 tuyến xe buýt đi qua khu công nghiệp với 296 điểm dừng và 12 điểm đầu cuối. Đồng thời, có 2 tuyến xe buýt của thành phố Hà Nội đi qua địa bàn thành phố Phúc Yên; 1 tuyến xe buýt (VP-01) của Vĩnh Phúc đi qua khu công nghiệp kết nối với thành phố Hà Nội. Mạng lưới tuyến xe buýt kết nối với các tỉnh, thành lân cận cũng được tỉnh quan tâm phát triển với 3 tuyến kết nối với thành phố Hà Nội, 1 tuyến kết nối với tỉnh Tuyên Quang và 1 tuyến kết nối với tỉnh Phú Thọ. 

 Quy hoạch chi tiết dự án nhà ở cho công nhân xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp đã được triển khai. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền đẩy mạnh học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong lao động, văn hóa ứng xử cho 400 công nhân lao động; mở 450 lớp tập huấn về chính sách, pháp luật cho hơn 90.000 lượt công nhân lao động, 30 lớp truyền thông về chính sách thai sản đối với lao động nữ tại các doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền cho 13.300 lượt công nhân lao động về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội; cấp 270 tủ sách cho 270 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp. Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”, đến nay, hơn 77.000 công nhân lao động trong các doanh nghiệp được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp; các thiết chế phục vụ công nhân được ưu tiên đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, nhu cầu mua nhà, thuê nhà của người lao động, đặc biệt là công nhân trong khu công nghiệp còn cao. Một số khu, cụm công nghiệp chưa được kết nối với mạng lưới xe buýt.

Để hỗ trợ cải thiện, từng bước nâng cao đời sống của người lao động, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện các chính sách về hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đi lại và các chương trình phúc lợi xã hội đối với người lao động, nhất là những người lao động làm việc trong các khu công nghiệp tập trung.

 PV