4 thành công của chương trình bình ổn thị trường

16:04 29/12/2022

Ngày 29-12, UBND TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2002-2022, định hướng giai đoạn 2022-2032. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết chương trình bình ổn thị trường qua 20 năm đã trở thành một điểm sáng của TP HCM với 4 thành công nổi bật.

Thứ nhất, chương trình là một cách tiếp cận đúng đắn, có tính hiệu quả của lãnh đạo thành phố các thời kỳ. Quá trình triển khai chương trình luôn được cập nhật một cách sáng tạo, mang đến sự nhận diện gần gũi đối với người tiêu dùng thành phố.

Thứ hai, chương trình đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực thực phẩm đến mở rộng các nhóm mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, sữa, y tế và linh hoạt điều chỉnh, cập nhật trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phát sinh. Qua 20 năm triển khai, chương trình đã góp phần vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố được ổn định và luôn thấp hơn CPI cả nước.  

Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ ra 4 thành công của chương trình bình ổn thị trường - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị tổng kết 20 năm chương trình BOTT TP HCM sáng 29-12

Thứ ba, quá trình triển khai chương trình từ cách tiếp cận ban đầu là "bình ổn giá" đến "bình ổn thị trường" là sự thay đổi trong tư duy tiếp cận đầy sáng tạo, góp phần tạo ra những giá trị lan tỏa mạnh mẽ, tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp thành phố cùng hưởng ứng, tham gia với số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều qua mỗi năm.

Thứ tư, chương trình đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa TP HCM với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi thời điểm.

Phát biểu với vai trò Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Thắng đánh giá chương trình bình ổn thị trường của TP HCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 20 năm qua, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Để chương trình được triển khai hiệu quả, bà Thắng đặt nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo của chương trình là phát triển hệ thống phân phối, phủ rộng mạng lưới điểm bán hàng, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, giảm tối đa chi phí trung gian từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Trong ngắn hạn, TP HCM cần tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán; tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại ở một số khu vực, đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp.

Trong dài hạn, thành phố cần thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh, tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Còn theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thưc phẩm TP.HCM, sau 20 năm triển khai, chương trình đã quy tụ nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm chủ lực. Điều này cho thấy chương trình sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng không chỉ tại TP.HCM mà hiện nay đã được nhân rộng và triển khai đều ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.

“Chúng tôi và các doanh nghiệp đều thống nhất quan điểm rằng tham gia bình ổn thị trường vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của doanh nghiệp. Bởi, thực tế từ khi có chương trình bình ổn, thì tình trạng tích trữ hàng trước, chờ đến Tết để nâng giá lên không còn nữa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bình ổn luôn bảo đảm nguồn hàng dồi dào và khi thị trường biến động, doanh nghiệp sẽ có ngay lượng hàng đáp ứng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thực tế đã chứng minh trong đợt dịch Covid-19”, bà Chi cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết chương trình bình ổn thị trường đã tạo điều kiện cho sản xuất, đầu ra ổn định, bảo đảm lợi ích cho người sản xuất, từ đó tạo nguồn cung ổn định, bền vững cho thị trường.

Thanh Hà