Bình Dương phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu

13:24 30/07/2024

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành các Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

Tập trung hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu

Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 41 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020...

Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Dương tại hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng NTM
Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Dương tại hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng NTM.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã công bố thêm một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

Cụ thể, theo Quyết định số 1924/QĐ-UBND công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương công nhận 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, bao gồm: Xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa; xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất.

Theo Quyết định số 1910/QĐ-UBND về việc ​công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương công nhận 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 gồm: Xã Tân Hưng, xã Hưng Hòa, xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng); xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên); xã An Bình, xã Tam Lập, xã Phước Hòa (huyện Phú Giáo); xã An Lập, xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng).

Trước đó, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UBND công nhận xã Phú An, thị xã Bến Cát đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa năm 2023.

Thông qua các quyết định này, các địa phương có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã tiếp tục tổ chức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Hiện, các địa phương đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Trải qua gần 4 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Bình Dương đến nay đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, huy động được mọi nguồn lực tổng hợp. Trong 6.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023, thì 51% là huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Biến nông thôn thành nơi đáng sống

Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai thực hiện kế hoạch về xây dựng NTM thông minh đến năm 2025. Kế hoạch thực hiện trên cả 3 tiêu chí về chính quyền, kinh tế, xã hội thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin.

Trong đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm. Để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP, địa phương xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến, thực tế ảo để xúc tiến thương mại, khuyến khích nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến. Tỉnh còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.

Thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin, đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn. Đến năm 2025, tỉnh cũng đặt mục tiêu có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển mô hình “Làng thông minh” để biến nông thôn thành nơi đáng sống. Mục tiêu đưa chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Bình Dương thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh ở xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên)
Bình Dương thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh ở xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên).

Thực tế, tỉnh Bình Dương đã thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh ở xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên) trong giai đoạn 2020 – 2025. Tỉnh cũng xác định, xây dựng Làng thông minh sẽ tạo nơi tập trung các sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như: công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động cho người dân, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, xanh, sạch...

Trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên, môi trường; là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái; đồng thời trở thành một biểu tượng xanh cho một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Địa phương cũng mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh, xã Bạch Đằng được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, xây dựng được 07 Làng thông minh và năm 2030 là 14 Làng thông minh, tạo đột phá mới trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu Hoàng