Cần Thơ: Đồng hành cùng người lao động tìm việc trong nước và làm việc ở nước ngoài

07:00 06/07/2024

Vừa qua, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình đồng hành cùng người lao động tìm việc làm trong nước và làm việc ở nước ngoài.

Vừa qua, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình đồng hành cùng người lao động tìm việc làm trong nước và làm việc ở nước ngoài nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo hướng toàn diện, bền vững và phù hợp với định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quan hệ đối ngoại của địa phương. Hướng đến mục tiêu cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch và chính xác về các cơ hội việc làm trong nước và ngoài nước giúp người lao động nắm bắt kịp thời và lựa chọn công việc phù hợp với kỹ năng và nguyện vọng cá nhân; tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, từ đó tăng khả năng cạnh tranh và cơ hội tìm việc làm phù hợp. Qua đó, giúp người lao động có thu nhập ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống; đồng thời, đảm bảo người lao động được bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi làm việc ở cả trong nước và nước ngoài.

Công ty xuất khẩu lao động tham gia một phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức. Ảnh: MAI THY
Công ty xuất khẩu lao động tham gia một phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức. Ảnh: MAI THY.

Chương trình được thực hiện từ nay đến năm 2026 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phấn đấu hàng năm: 100% người lao động có nhu cầu tìm việc làm được cung cấp thông tin về các cơ hội việc làm trong nước và ngoài nước; hàng năm, giải quyết việc làm trong nước từ 50.000 người lao động trở lên; hàng năm, ít nhất 500 người lao động thành phố Cần Thơ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban ngành và UBND quận, huyện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2026, tầm nhìn đến năm 2030, như: Tăng cường công tác truyền thông thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; tổ chức tư vấn, đào tạo kỹ năng làm việc trong và ngoài nước cho người lao động; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ, pháp lý cần thiết cho người lao động tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước; đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm…

Đồng thời, thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình, gồm: từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước; kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án, đề án liên quan khác; đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Phước Lập