Cánh cửa hẹp với sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng

08:51 16/10/2022

Thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… đang đặt ra các hàng rào nghiêm ngặt để kiểm soát hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, buộc doanh nghiệp Việt phải phát triển, thay đổi quy trình theo hướng phát triển xanh, bền vững.

 

Ảnh minh họa

Bà  Đỗ Thị Thu Hương đại diện Văn phòng Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, mới đây, Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đã thực hiện một cuộc khảo sát với 400 doanh nghiệp về mức độ nhận thức của doanh nghiệp về các chính sách/cơ chế liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, có 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát không biết đến một trong những chính sách được hỏi liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.

Trong khi đó, chưa đến 20% doanh nghiệp nắm rõ chính sách về các nội dung liên quan đến giảm phát thải, nghĩa là có hơn 80% doanh nghiệp chưa nắm rõ các chính sách này. Để doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt các nội dung liên quan đến giảm phát thải, bà Hương cho rằng nguồn tự tìm hiểu chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là nguồn từ phía cơ quan nhà nước.

Đối với mức độ nhận thức của doanh nghiệp về cơ chế điều chỉnh hạn ngạch carbon (CBAM), chỉ có 11% doanh nghiệp nắm rõ nội dung; 53% doanh nghiệp không biết... “Nhiều doanh nghiệp muốn tìm hiểu về CBAM, nhưng không biết tìm từ nguồn nào và rất nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật”, bà Hương nhấn mạnh và khuyến nghị, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp, đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon.

Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu những thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước và các nguồn tin chính thống khác; chủ động tìm hiểu về các hệ giải pháp đã áp dụng trên thế giới; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng…

Bà Đỗ Thị Thu Hương cho biết ở Mỹ, nếu cơ chế điều chỉnh hạn ngạch carbon (CBAM) đối với doanh nghiệp xuất khẩu được thông qua thì thời gian áp dụng của Đạo luật cạnh tranh Sạch sẽ là vào năm 2024, không có thời gian thí điểm.

Khi đó, dựa vào số liệu phát thải toàn nền kinh tế có hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nói chung hoặc số liệu phát thải một ngành cụ thể để tính thuế vượt hạn ngạch. Sự ngoại lệ của việc tính thuế này được áp dụng cho các hàng hóa sơ cấp được nhập khẩu vào Mỹ và được sản xuất tại một số quốc gia tương đối kém phát triển.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 sang Mỹ là 96,29 tỷ USD; sang EU là 45,8 tỷ USD. Vì vậy, điều này đặt ra những quan ngại trong việc doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn trên, nếu muốn xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm là Mỹ và EU.

Bảo Lộc