Cao tốc TP HCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng lên 8 làn xe

15:50 06/06/2023

Ban Quản lý dự án 7 đánh giá với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại, cũng như trong tương lai.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương thường xuyên quá tải, ùn ứ
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương thường xuyên quá tải, kẹt xe kéo dài khi có va chạm.

Cao tốc dài 62 km nối TP HCM - Long An và Tiền Giang được đề xuất mở rộng lên 8 làn xe, hai làn khẩn cấp, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 4 năm. Thông tin được đơn vị tư vấn đưa ra tại buổi làm việc của Ban Quản lý dự án 7, Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) với UBND tỉnh Long An về tiến độ mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương diễn ra mới đây.

Cao tốc TP HCM - Trung Lương hiện có 4 làn xe, hai làn khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h, khai thác từ 13 năm trước. Từ 2019, tuyến đường dừng thu phí, lượng xe đi qua tăng khoảng 30%, với hơn 50.000 lượt xe mỗi ngày đêm khiến cao tốc thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn.

Ban Quản lý dự án 7 đánh giá với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại, cũng như trong tương lai. Do đó, cần sớm nghiên cứu để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này theo quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu lưu thông trên tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Theo đơn vị tư vấn, khi mở rộng, cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/h, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 200ha đã được giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công với kinh phí hơn 9.700 tỷ đồng.

Dự án đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang với chiều dài khoảng 39,6km. Về quy mô đầu tư, sẽ mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. 

Dự kiến, dự án khởi công trong năm 2025, tổ chức thi công, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2027.

Theo Ban Quản lý dự án 7, dự án đầu tư với mục tiêu nhằm giảm ùn tắc giao thông, từng bước hoàn thiện theo quy hoạch.

Cùng với các dự án giao thông đang triển khai khác trong khu vực sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc vùng ĐBSCL, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành cả nước…

Trước đó, Tập đoàn Đèo Cả đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng được đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương lên 8 làn xe với tổng vốn hơn 5.300 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư. Trong đó, vốn ngân sách là 2.650 tỷ đồng (chiếm 50%), vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 406 tỷ đồng và vốn từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) 2.300 tỷ đồng.

Giữa năm ngoái, Liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo khả thi dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương theo phương thức PPP. Liên danh này cam kết tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Phương Mai (t/h)