Chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Bình phục hồi trong bối cảnh Covid-19

10:35 24/12/2021

Thời gian qua, Thái Bình cùng với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch covid- 19 tác động đến mọi mặt của đời sống và sự phát triển kinh tế- xã hội. Bàn về những vấn đề này, sáng 24/12, Hội nghị đối thoại: "Chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Bình phục hồi trong bối cảnh Covid-19" đã được tổ chức nhằm triển khai nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covd-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội nghị.

Sáng ngày 24/12/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV Việt Nam) phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị "Giải pháp và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19".

Tham gia Hội nghị có sự tham gia của TS.Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV VIệt Nam; ông Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban THường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình; ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị và kinh tế số Việt Nam cùng lãnh đạo các sở ban ngành và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Gần 300 doanh nghiệp tại Thái BÌnh phải tạm dừng hoạt động 

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại nước ta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, giao thương của doanh nghiệp và gián tiếp ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người lao động.

Thời gian qua, Thái Bình cùng với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch covid- 19 tác động đến mọi mặt của đời sống và sự phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ngày 10/11 Thái Bình đã ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục từ khi xuất hiện dịch đến nay với hơn 2000 ca.

TS.Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV VIệt Nam
TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam phát biểu khai mạc.

Phát biểu tại Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Thân nhận định: "Tại Thái Bình, đợt dịch thứ tư cũng tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có gần 300 doanh nghiệp (chủ yếu là nhỏ và vừa) phải rút lui khỏi thị trường hoặc tạm dừng hoạt động, gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 12.500 lao động. Đợt dịch cũng khiến 1.520 hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động, chi trả chi phí cố định, lãi vay, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cạnh tranh thị trường, liên kết giữa các hộ thành viên, hợp tác xã và đối tác có liên quan".

Bàn về những tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất kinh doanh trong 2 năm 2020 và 2021, tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã đưa ra những khó khăn:

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa không tiêu thụ được chủ yếu là hàng hàng xuất khẩu là rất lớn, lượng hàng hóa tồn kho của nhiều doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng như lĩnh vực sản xuất sứ, gạch men, hàng dệt may, việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để phục vụ sản xuất cũng rất khó khăn ở hầu hết các doanh nghiệp sản xuất do sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài cả về tiêu thụ hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu nhất là thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc .. .

Thứ hai, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến kinh doanh lương thực, các hoạt động vận tải, du lịch và dịch vụ bị thu hẹp, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác cũng gặp nhiều khó khăn, hoạt động vận tải giảm 60% do giảm khối lượng hàng hóa vận chuyển và hành khách di chuyển bằng phương tiện xe khách, nhiều nhà hàng khách sạn phải ngừng hoạt động không có doanh thu kinh doanh... Trong điều kiện SXKD rất khó khăn hiện nay các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng với lãi suất cao, các chế độ về tiền lương và các chính sách liên quan đến người lao động, các chi phí sản xuất kinh doanh như tiền điện, giá khí đốt liên tục tăng cao làm tăng chi phí sản xuất đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Năm 2020 tình trạng thiếu việc làm trong các doanh nghiệp là phổ biến, một số doanh nghiệp đã phải cho từng bộ phận lao động nghỉ việc luân phiên do hàng hóa không tiêu thụ được.

Thứ ba, bước sang năm 2021 là một năm hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình tiếp tục nhiều khó khăn hơn nữa do đại dịch Covid 19 bùng phát trở lại lần thứ tư trên cả nước, trong đó có tỉnh Thái Bình. Nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị đứt gẫy chuỗi cung ứng vật tư, vận tải biển bị tắc nghẽn do thiếu vỏ container gây chậm trễ vật tư, nguyên liệu hàng hóa, ảnh hưởng sản xuất. Mặt khác giá cước vận tải tăng quá cao tới 5 lần, thậm chí tới 15 lần so với trước, các dịch vụ tiếp tục phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, nhiều sản phẩm hàng hóa không tiêu thu được, lượng hàng hóa tồn kho tăng, đời sống của người lao động trong doanh nghiệp rất khó khăn, mặc dù thời gian gần đây dịch bệnh trong tỉnh đã từng bước được khống chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường nên vẫn tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh về lâu dài.

Theo ông Vẻ, mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp của tỉnh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó khăn để duy trì sản xuất.

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội

ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị.

Trước những khó khăn trên, với ưu thế là được tổ chức SXKD trong điều kiện bình thường mới, các doanh nghiệp đã tranh thủ điều kiện thuận lợi với quyết tâm cao, chủ động và tập trung tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn để tổ chức sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động, nỗ lực vươn lên để có được những kết quả nhất định trong sản xuất kinh doanh.

Ông Vẻ đánh giá rằng, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các cấp các ngành trong tỉnh quan tâm và đồng hành với những hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực; quyết liệt và sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đây là động lực hết sức quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh vượt qua khó khăn do dịch bệnh để từng bước phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Mặc dù phải đứng trước những khó khăn rất lớn nhưng lực lượng doanh nghiệp Thái Bình vẫn có sự phát triển, số doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng so với cùng kỳ. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn kép, vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh nhưng đã có những kết quả tích cực. Ở Thái Bình, tính đến đầu tháng 11/2021 các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đã tạo công ăn việc làm mới cho gần 22.000 lao động (đạt 64% kế hoạch năm). Theo đó, dự kiến trong năm nay, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 56.800 tỷ đồng, tăng trên 6% so với năm 2020. Tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 168.000 tỷ đồng, tăng trên 8,7% so với năm trước. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm trên 25%, công nghiệp xây dựng chiếm 42,8% và dịch vụ chiếm 31,6%. Về tổng quan, các chỉ số vĩ mô của tỉnh đều phục hồi tương đối khả quan, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cộng động doanh nghiệp.

Trong điều kiện kinh tế cả nước tăng trưởng chậm lại do tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là quý 3/2021 kinh tế tăng trưởng âm 6,1% những kinh tế của tỉnh vẫn có sự tăng trưởng khá và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kết quả 9 tháng năm 2021 các doanh nghiệp nộp vào ngân sách ước đạt 5.072 tỷ đồng, trong đó từ thuế, phí là 3.768 tỷ đồng, đạt 82% dự toán, và thuế xuất nhập khẩu là 1.304 tỷ đồng đạt 124,9% dự toán. Ngoài ra Hiệp hội Doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh tích cực chung tay ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho Mặt trận Tổ quốc và Ngành Y tế tham gia chống dịch Covid-19. Đây là sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp.

Nhận định về những kết quả đó, ông Thân đánh giá: "Tỉnh Thái Bình đang hòa chung vào nhịp đập kinh tế của cả nước và những con số trên cho chúng ta một niềm tin vững chắc rằng địa phương sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bứt phá trong thời gian tới".

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi 

ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các doanh nghiệp tham gia buổi hội nghị thẳng thắn nêu lên những thách thức đang gặp phải, nhất là các rào cản về cơ chế, chính sách. Theo sở đó các chuyên gia, diễn giả có những thông tin cập nhật, đánh giá về bối cảnh tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam và Thái Bình nói riêng; cập nhật những vấn đề mới nhất, những phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh và thực trạng của nền kinh tế trong nước hiện nay cũng như xu hướng trong thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như gợi ý, tư vấn, định hướng, gợi mở, nhất là chia sẻ những mô hình, giải pháp, cách làm hiệu quả nhằm vượt qua đại dịch và phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh để cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nắm bắt, áp dụng vào thực tiễn đơn vị mình.

Về phía tỉnh Thái Bình, ông Hưng cam kết sẽ luôn lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời ban hành và triển khai các cơ chế hỗ trợ của trung ương và của tỉnh đến các doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời ông nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử nhằm tạo môi trường thực sự thông thoáng, hấp dẫn để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Từ phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ông Vẻ đã kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 như sau: 

Thứ nhất, tỉnh cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt trong kiểm soát hiệu quả dịch covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid-19 để hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm sản xuất phục hồi kinh tế góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giải quyết các thủ tục đầu tư khẩn trương, giảm các chi phí cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Thứ hai, tập trung đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, chỉ đạo cụ thể các công việc thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch Covid-19.

Thứ tư, tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền: Giãn, hoãn miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế, và phí phải nộp, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng; Giãn tiên độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh; giãn, hoãn và giảm các khoản nộp Quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19; miễn giảm thu một số loại phí , lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính.

Thứ năm, tập trung xử lý các điểm nghẽn, rào cản ảnh hưởng tới đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch tập đoàn Kim Nam
Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch tập đoàn Kim Nam: Cần có nguồn chính sách hỗ trợ đào tạo để thay đổi tư duy, khiến nhiều doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số.

Thách thức để tiến hành chuyển đổi số rất lớn, trước hết là tư duy của người đứng đầu. Bởi trong quá trình số hoá, cần phải bỏ đi những kế hoạch ngắn hạn, thậm chí cả trung hạn để tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp, không phải ai cũng dám làm điều này. Khó khăn thứ hai là nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, đòi hỏi nhân viên phải có nhiều kỹ năng hơn. Điều thứ ba doanh nghiệp trăn trở là vấn đề an ninh thông tin khi chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp lo lắng không biết thông tin khi được số hoá của bị rò rỉ, công khai không. Tuy nhiên đây là suy nghĩ sai lệch bởi lợi ích chuyển đổi số đem lại gấp nhiều lần mất đi. Thực tế hiện nay ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp mới chỉ biết tới phần “ngọn” của chuyển đổi số. Chưa kể số lượng website doanh nghiệp còn đang giảm dần. Số lượng doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử - công cụ bán hàng mới chỉ 20%, do đó dư địa còn rất lớn. Tôi xin đưa ra các giải pháp như sau: Thứ nhất, UBND tỉnh Thái Bình cần có chính sách cụ thể hoá Nghị định 80/2021 về Thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai, tỉnh cần có nguồn chính sách hỗ trợ đào tạo để thay đổi tư duy, khiến nhiều doanh nghiệp chủ động chuyển đổi số. Thứ ba, tỉnh cần dành ngân sách hỗ trợ đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Cuối cùng tỉnh cần cung ứng giải pháp riêng, đặc thù phù hợp với môi trường kinh doanh và xu thế phát triển của tỉnh như sàn thương mại riêng,…

Đại diện Công ty Dệt may Tân Đệ
Đại diện Công ty Dệt may Tân Đệ.

Đại diện Công ty Dệt may Tân Đệ: Cần đưa ra những chính sách đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.

Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, tuy nhiên doanh nghiệp mong muốn đi hẳn tới những con số nhỏ nhất. Bởi dù trong hay sau đại dịch, doanh nghiệp rất cần vốn để tái đầu tư.

Thực tế, doanh nghiệp muốn vay vốn cần báo cáo tài chính tốt. Nhưng những doanh nghiệp nhỏ, còn khó khăn sao có thể đáp ứng được yêu cầu từ ngân hàng. Do đó chính sách đưa ra cần chú ý hỗ trợ doanh nghiệp ở điểm này.

Được biết, Công ty Dệt may Tân Đệ hiện có tới 18.000 lao động với 8 nhà máy. Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số, đại diện doanh nghiệp cho biết: Công ty đã thực hiện số hoá từ công tác tuyển dụng tới chị trả tiền lương. Việc này giúp doanh nghiệp dễ quản lý và giảm chi phí.

Đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh, sau dịch có thể sẽ nhiều doanh nghiệp FDI chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam, tuy nhiên Nhà nước cần đưa ra những chính sách đảm bảo sự cạnh tranh công bằng. Cụ thể, doanh nghiệp FDI được ưu đãi gì, doanh nghiệp Việt được ưu đãi tương ứng.

Ông Trương Quốc ĐạtChủ tịch Hiệp hội Vận tải biển tỉnh Thái Bình: Mong muốn Luật Lao động điều chỉnh riêng đối với ngành vận tải biển.

Thứ nhất, Luật Lao động đang giới hạn, gây khó khăn cho ngành vận tải biển. Đặc thù của ngành vận tải biển là lao động dù trên 60-70 tuổi vẫn có sức khỏe, đủ khả năng ra biển. Ngược lại doanh nghiệp trong độ tuổi quy định không đủ kinh nghiệm, năng lực không ra biển được. Hiệp hội mong muốn Luật Lao động điều chỉnh riêng đối với ngành vận tải biển.

Thứ hai việc giãn thuế đang phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp hội Vận tải biển kiến nghị Chính phủ xem xét đưa Thuế Giá trị giá tăng về 5% như trước.

Bảo Trinh - Hà Linh 
Ảnh: Anh Dũng