Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi

11:45 15/02/2023

Tại “Hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025”, sáng 15/2, tại Hải Phòng, ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương khẳng định, nhiều mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2025 đã có sự thay đổi.

Phát biểu tại “Hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”, ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức một hội nghị tập huấn với sự tham dự của hơn 500 đại biểu, đến từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, gồm: Các cơ quan, đơn vị và hệ thống các trường đào tạo thuộc bộ; hệ thống các Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh; các đơn vị quản lý chất lượng cấp vùng, hệ thống khuyến nông, kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn ở các địa phương; đại diện các hội đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương…

Ảnh minh họa
Hội nghị tập huấn một số kiến thức mới về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hoài Anh. 

“Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là được những kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Đến nay, cả nước có 6.009/8.225 xã (73,08%) đạt chuẩn NTM; trong đó có 937 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 110 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (đạt 39,6% số huyện cả nước). Có 18 địa phương cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”, ông Sơn khẳng định.

Xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trong đó vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, đậm đà bản sắc dân tộc được chú trọng. Kinh tế nông thôn đã có sự thay đổi lớn, tác động trực tiếp đến thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.

Chương trình OCOP đã đạt được kết quả nổi bật với 8.867 sản phẩm OCOP, của hơn 4.586 chủ thể. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đang từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Góp phần chuyển dịch từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Trên cơ sở kết quả đạt được của Chương trình giai đoạn đến năm 2020, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhiều mục tiêu, nội dung và nhiệm vụ của giai đoạn này đã có sự thay đổi.

Cụ thể, về nội dung của Chương trình, bên cạnh 11 nội dung thành phần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chuơng trình chuyên đề. Đây là các chương trình chuyên đề, có tính chất xác định nhiệm vụ và định hướng chỉ đạo để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện một số nội dung trọng tâm của của Chương trình MTQG xây dựng NTM, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Đến thời điểm này, đã có trên 70 văn bản pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành; cơ bản đầy đủ để các các bộ, ngành trung ương và địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

Cùng với Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu trong công tác triển khai, đặc biệt là những định hướng chuyển đổi lớn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác định trong công tác chỉ đạo như chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực; tập trung phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhiều giải pháp đã được Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, như: Phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa đồng bộ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu tập trung; công tác bảo tồn, phát triển ngành nghề và đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn; tổ chức hệ thống Tổ khuyến nông cộng đồng,…

“Trong bối cảnh như vậy, năm 2023 được xác định là năm bản lề để thực hiện mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Các cơ chế, chính sách đã cơ bản đầy đủ, nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã được giao cho các địa phương, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu tổ chức Hội nghị tập huấn này”, ông Sơn nói.

Theo đó, Hội nghị tập huấn hướng tới mục tiêu thông tin những định hướng, quan điểm, yêu cầu trong xây dựng NTM, những nội dung mà các đơn vị trong bộ đang tổ chức triển khai. Trao đổi, phổ biến những vấn đề mới như: Ứng dụng công nghệ thông tin (chuyển đổi số) trong nông nghiệp, nhất là trong xây dựng NTM; phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn; vấn đề kinh tế hợp tác, HTX, cơ giới hóa đồng bộ, vấn đề quản lý chất lượng nông sản;…

Thông qua Hội nghị tập huấn, các đơn vị sẽ hiểu hơn về nhiệm vụ, công việc đang triển khai, trên cơ sở đó xác định những nội dung cần trao đổi, chia sẻ, hợp tác và phối hợp, góp phần nâng cao hiệu quả, kết quả trong công tác tham mưu, hướng dẫn các địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực, tính chủ động và sự tham gia của hệ thống các trường đào tạo thuộc bộ. Trên cơ sở các kiến thức, thông tin được cung cấp tại Hội nghị này, các trường sẽ rà soát, bổ sung định hướng, phù hợp với năng lực để tham gia phối hợp với các cơ quan quản lý, hỗ trợ các địa phương trong công tác đào tạo nghề, tư vấn phát triển sản xuất, xây dựng NTM.

H.Anh