Công ty mẹ của Circle K nỗ lực thâu tóm doanh nghiệp đứng sau 7-Eleven

16:21 20/08/2024

Nikkei Asia cho rằng, nếu công ty Canada mua 100% doanh nghiệp này, giá trị thương vụ sẽ ở mức ít nhất 5.000 tỷ yen (34,5 tỷ USD).

Ảnh minh họa
Việc một tập đoàn Canada mua lại công ty mẹ của 7-Eleven được xem là nỗ lực thâu tóm lớn nhất của một doanh nghiệp nước ngoài nhắm vào một công ty Nhật Bản.

Alimentation Couche-Tard, tập đoàn bán lẻ Canada sở hữu thương hiệu Circle K, vừa đề xuất thâu tóm Seven & i Holdings - công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Nhật Bản. Động thái này diễn ra sau hơn một năm đàm phán gián đoạn giữa hai bên và được xem là nỗ lực thâu tóm lớn nhất của một doanh nghiệp nước ngoài nhắm vào một công ty Nhật Bản.

Các chuyên gia ngân hàng và luật sư M&A cho rằng, sự thay đổi này mở đường cho các bên mua nước ngoài đưa ra nhiều đề nghị hơn đối với các công ty Nhật Bản.

Thông tin này khiến cổ phiếu Seven & i tăng vọt 22% trong phiên giao dịch hôm 19/8, đẩy vốn hóa thị trường của công ty lên 38 tỷ USD. Seven & i cho biết, đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các thành viên Hội đồng quản trị không điều hành để xem xét đề xuất từ Couche-Tard.

Theo Financial Times, Couche-Tard xác nhận đã gửi "đề xuất thân thiện, không ràng buộc" tới công ty Nhật Bản, nhằm tìm kiếm "một thỏa thuận có lợi cho khách hàng, nhân viên, nhà nhượng quyền và cổ đông của cả hai công ty".

Nikkei Asia cho rằng, nếu công ty Canada mua 100% doanh nghiệp này, giá trị thương vụ sẽ ở mức ít nhất 5.000 tỷ yen (34,5 tỷ USD).

Hướng dẫn tiếp quản doanh nghiệp do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đưa ra vào năm 2023 kêu gọi các đề xuất tiếp quản phải được Hội đồng quản trị xem xét. Nếu hội đồng quản trị từ chối lời đề nghị, Alimentation Couche-Tard có thể tìm cách khác.

Các công ty Nhật Bản thường quyết định về các đề xuất M&A trong các cuộc thảo luận không chính thức của các giám đốc điều hành cấp cao, mà không tham khảo ý kiến ​​của Hội đồng quản trị.

Phản hồi của Seven & i cho thấy sự thay đổi trong các hoạt động M&A tại Nhật Bản, nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch cho các cổ đông, sau khi METI ban hành hướng dẫn.

Về Alimentation Couche-Tard, công ty này hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Toronto với vốn hóa 80 tỷ CAD (tương đương khoảng 58,5 tỷ USD). Họ từng tiếp cận Seven & i và đặt vấn đề mua lại năm 2020.

Alimentation Couche-Tard hiện có khoảng 17.000 cửa hàng tại 30 quốc gia, với các thương hiệu Couche-Tard và Circle K. 

Trong tài khóa kết thúc vào tháng 4/2024, Alimentation Couche-Tard đạt doanh thu 69,2 tỷ USD. Doanh thu của Seven & I trong tài khóa kết thúc vào tháng 2/2024 là 11.000 tỷ yen (75 tỷ USD). Nếu sáp nhập thành công, đây sẽ là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, với mảng kinh doanh cốt lõi là cửa hàng tiện lợi.

Alimentation Couche-Tard đặt mục tiêu mở rộng việc kinh doanh và mạng lưới cửa hàng ra khắp thế giới. Hiện tại, Seven & I có 85.000 cửa hàng tiện lợi tại 20 quốc gia. Họ muốn mở rộng con số này lên 100.000 tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2030. 

Giám đốc điều hành Seven & i, ông Ryuichi Isaka, đã chi hơn 25 tỷ USD để mở rộng mạng lưới toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Mỹ - nơi mà nhà bán lẻ Nhật Bản bổ sung thêm mạng lưới trạm xăng Speedway và Sunoco. 

Theo đại diện Seven & i, công thức đằng sau thành công của 7-Eleven (phiên bản Nhật Bản) có thể được xuất khẩu trên toàn cầu, có khả năng thông qua các vụ mua lại. "Nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ chủ động xem xét M&A", ông Isaka cho biết.

Hà Anh (t/h)

Tags: