Hà Tĩnh chủ động đảm bảo ổn định thị trường hàng Tết

22:52 28/12/2022

Theo dự báo sức mua cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 5 - 8% và tăng 20 - 25% so với ngày thường.

Gần Tết Nguyên đán Quý Mão, thời điểm này, sức mua hàng hóa đang tăng dần từng ngày. Việc đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường để người dân yên tâm mua sắm đang là nhiệm vụ được Sở Công thương quan tâm hàng đầu.

Từ tháng 11, Sở Công thương đã phối hợp các địa phương rà soát nhu cầu tiêu dùng của người dân và khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị phân phối để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn thị trường hàng tết. 

Hà Tĩnh chủ động đảm bảo ổn định thị trường hàng Tết
Hà Tĩnh chủ động đảm bảo ổn định thị trường hàng Tết.

Theo dự báo sức mua cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 5 - 8% và tăng 20 - 25% so với ngày thường.

Do đó, Sở Công thương đã chỉ đạo, làm việc với các doanh nghiệp về dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ mua sắm tết, trong đó, có các đơn vị bán lẻ, đơn vị phân phối lớn như siêu thị Co.opmart, Winmart, Công ty CP Thương mại Hoàng Lâm Bân, Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng… Cùng đó, thu thập thông tin dự kiến lượng hàng hóa dự trữ, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trong thời gian 2 tháng (từ 23/12/2022 đến 19/2/2023).

Đến nay, các doanh nghiệp đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hàng hóa phục vụ thị trường dịp tết đã được các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ chuẩn bị, trưng bày lên quầy kệ với đa dạng chủng loại, mẫu mã bắt mắt. Mức giá không biến động quá lớn so với năm trước. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hàng hóa phục vụ thị trường tết được các nhà bán lẻ dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn, trứng gia cầm, bánh mứt, kẹo, đồ uống, dầu ăn, nước mắm...

Theo các chủ kinh doanh, do giá nguyên liệu đầu vào cao nên trong năm 2022, giá một số mặt hàng tiêu dùng tăng khoảng từ 3 – 10% so với năm 2021 nhưng tăng nhích dần từ đầu năm tới nay. Còn thời điểm này, giá cả hàng hóa vẫn ổn định như những tháng trước, không có biến động lớn.

Các chủ kinh doanh cũng nhận định, năm nay các nhà cung cấp, nhà sản xuất cũng không sản xuất lượng hàng ồ ạt mà chỉ bằng hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ. Do vậy, các nhà phân phối, điểm bán hàng lớn đều phải đặt hàng dự trữ từ sớm để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, công tác dự trữ các mặt hàng thiết yếu chuẩn bị cho dịp tết đã được triển khai. Hiện nay, Sở Công thương đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, nhất là với các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều để có phương án bảo đảm cân đối cung cầu; thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình thị trường để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp điều tiết hàng hóa trong trường hợp thị trường có những biến động bất thường.

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao vào thời điểm cuối năm, cận tết sẽ kéo theo gia tăng nguy cơ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng kém chất lượng… Do vậy, hiện nay các ngành chức năng cũng đang tích cực vào cuộc, tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, giữ ổn định thị trường tết.

Để ổn định thị trường hàng hóa, cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, cần sự chung tay góp sức của chính người tiêu dùng. Ngành chức năng khuyến cáo người tiêu dùng kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng… hàng hóa khi mua và kịp thời thông báo, phản ánh với cơ quan chức năng khi nghi ngờ, phát hiện các hành vi gian lận thương mại.

PV (t/h)