CPI có thể sẽ ít biến động

00:00 12/10/2020

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhu cầu nhóm hàng dịch vụ làm mát, điện, nước… tăng trong mùa nắng nóng nên mặt bằng giá sẽ có biến động. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng giảm giá hoặc giá thấp, bên cạnh đó, công tác điều hành thị trường được quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, thị trường hàng hóa thời gian tới sẽ không có biến động lớn.

Tổng hợp, đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong tháng 4/2019 không có biến động bất thường, cung - cầu vẫn được bảo đảm.

cpi co the se it bien dong

Nhu cầu mặt hàng điện lạnh tăng cao

Cụ thể, giá các mặt hàng thép, xi măng sau khi được điều chỉnh tăng cuối tháng 3 (do giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019), song đã giữ ổn định trong tháng 4. Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định, chỉ riêng giá lợn hơi tăng vào đầu tháng 4 nhưng cũng đã giảm liên tiếp trong nửa cuối tháng 4, nhất là tại các tỉnh phía Bắc, do tâm lý e ngại về dịch tả lợn châu Phi và thời tiết bắt đầu nắng nóng nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm.

Việc tăng giá xăng dầu, giá điện đã tác động đến tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4. Song, do Ngân hàng Nhà nước kiên định với chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ ổn định kinh tế vĩ mô… đã góp phần tích cực kiềm chế lạm phát. Chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm lại đây (từ 2017-2019 mức tăng CPI 4 tháng đầu năm lần lượt là 4,8%; 2,8%; 2,71%).

Mùa nắng nóng, nhu cầu các mặt hàng làm mát tăng và mức tiêu thụ điện, nước sinh hoạt, các dịch vụ du lịch, khách sạn, ăn uống… tăng sẽ kéo theo giá bình quân các nhóm hàng này có thể tăng. Giá các nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng nhận định tiếp nối xu hướng tăng do tác động từ diễn biến căng thẳng giữa các nước kinh doanh, xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, cũng có một số nhóm hàng giá có thể giảm, hoặc giá thấp, chẳng hạn như đường, thịt lợn, phân bón…

Để thúc đẩy thương mại nội địa, đảm bảo cung - cầu hàng hóa và giá cả ổn định trong những tháng tới, Bộ Công Thương cho biết, sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu để phục vụ điều hành thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá; tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương cho rằng, các cấp, ngành... liên quan cần tiếp tục có các biện pháp ngăn chặn dịch, không để tái diễn hoặc lây lan; các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối có kế hoạch dự trữ nguồn hàng an toàn (tại các vùng không có dịch), ký kết hợp đồng tiêu thụ sớm để bình ổn thị trường thực phẩm.

Lan Ngọc