Doanh nhân Võ Vũ Thùy My: Tìm thứ mình giỏi và biến đó thành đam mê

08:51 28/05/2021

Từ một du học sinh Việt với quyết tâm “tìm thứ mình giỏi và biến đó thành đam mê” luôn giữ nhiệt huyết và sự kiên trì với các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán, Thùy My đã tiến vào lĩnh vực tài chính và trở thành một nhà đầu tư thành công trên đất Mỹ. Võ Vũ Thùy My hiện là General Partner (người đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ) của Fuel VC - quản lý hàng trăm triệu USD và chuyên rót vốn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tế ảo, robot...

Từ bỏ nghệ thuật để đi Mỹ du học

Võ Vũ Thùy My (Maggie Vo) sinh năm 1987 trong một gia đình với bố mẹ, ông bà đều làm nghệ thuật, được lớn lên trong bầu không khí của âm nhạc và tham gia biểu diễn từ khi mới 3 tuổi với các đội văn nghệ từ Nam ra Bắc. Lớn lên, Thuỳ My thành công trong vai trò ca sĩ với nhóm nhạc tuổi teen Tymyty (gồm Thuỳ My, Nguyệt Anh, Thu Hà và Thuỳ Lâm - Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam năm 2008). 

Võ Vũ Thùy My hiện là General Partner (người đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ) của Fuel VC. Ảnh: Maggie Vo
Võ Vũ Thùy My hiện là General Partner (người đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ) của Fuel VC. Ảnh: Maggie Vo.

Khi ở độ tuổi quan trọng để phát triển sự nghiệp âm nhạc, việc Võ Vũ Thuỳ My bất ngờ từ bỏ nghệ thuật để đi Mỹ du học với 2 môn chuyên ngành là toán và tài chính được coi như một quyết định lạ lùng. Thế nhưng, những người biết rõ Thuỳ My lại nghĩ khác. Dù đam mê ca hát và sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật, cô lại xác định rằng tương lai của mình không phải làm ca sĩ.

Thực tế, dù bận rộn với lịch luyện tập, đi diễn, thu âm, trả lời phỏng vấn… Thuỳ My vẫn duy trì thành tích học tập "khủng" và luôn nằm trong danh sách học sinh đứng đầu lớp ở trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Thuỳ My cho biết: "Mỗi người chỉ có 24 giờ mỗi ngày nên để làm tốt cả 2 việc mình đam mê (hát và học) thì mình phải kiếm cách để làm mọi việc có hiệu quả nhất".

Vì thế, khi đi diễn, thu âm, chờ phỏng vấn, chụp hình…, Thuỳ My luôn mang sách vở theo để tranh thủ thời gian chờ đến lượt "cũng có thể học được tí xíu". Thùy My nhận xét: "Nếu đam mê thì phải hy sinh thời gian cá nhân của mình thôi!". Vào cuối năm lớp 11 (năm 2004), cô ca sĩ tuổi teen đứng trước lựa chọn mang tính bước ngoặt: tập trung cho sự nghiệp âm nhạc hay học tập? Thuỳ My đã chọn việc học và quyết định đi Mỹ du học.

"Quan niệm của tôi khi nói đến sự nghiệp và phải đi tìm cái gì mình thật sự giỏi. Khi đó biến nó thành đam mê rồi mới vững chắc được. Ca hát với tôi chỉ là sở thích thôi, nói về lĩnh vực này, tôi cũng không bằng nhiều anh chị ở Việt Nam. Vì vậy tôi đi Mỹ để tìm kiếm những đam mê khác và xem mình giỏi cái gì nhất”, cô chia sẻ.

Cơ hội đến khi trường Lê Hồng Phong có chương trình trao đổi văn hoá dành cho các học sinh lớp 12 và Võ Vũ Thuỳ My đã chọn đi Mỹ học với thời gian 1 năm. "Nếu muốn sang Mỹ học đại học thì việc có trước 1 năm học tập ở đó sẽ đem đến cơ hội nhận học bổng lớn hơn ở Việt Nam", Thuỳ My chia sẻ.

Kết thúc trung học ở một trường tại New York, Thuỳ My nộp đơn và nhận được học bổng toàn phần tại Centre College – Đại học tư thục duy nhất ở Kentucky. Dù là một ngôi trường nhỏ nhưng Centre College là nơi tạo ra 2/3 số lượng học giả Rhodes (Rhodes Scholar – một chương trình học thuật rất danh giá với sinh viên sau đại học) của bang Kentucky. Đây cũng là trường nổi tiếng với các ngành về kinh tế, tài chính, sinh học, lịch sử và nghiên cứu quốc tế. Hai môn chuyên ngành được Maggie Vo (tên tiếng Anh của Võ Vũ Thuỳ My) chọn tại Centre College là toán và tài chính.

Chuyến bay tình cờ mang đến bước ngoặt trong sự nghiệp 

Tốt nghiệp vào năm 2009 - thời điểm khủng hoảng tài chính, tìm được một công việc đúng mong muốn với Thùy My khi ấy không hề đơn giản. Cô có 90 ngày để tìm việc nếu không sẽ phải trở về Việt Nam.

Thùy My tâm sự: Năm đó, tôi nằm trong số 10% sinh viên xuất sắc nhất của trường tốt nghiệp và cũng nộp đơn vào nhiều công ty lớn như Bloomberg, JP Morgan… nhưng đều không được bởi tuyển dụng sinh viên quốc tế thì việc bảo lãnh khó hơn nhiều so với mọi năm. Thế nên, doanh nghiệp có xu hướng dành cơ hội việc làm nhiều hơn cho sinh viên Mỹ, và cơ hội kiếm được việc làm của tôi là rất khó khăn.

Lúc ấy thì tôi chỉ nghĩ để tìm được công việc mình mơ ước trong ngành đầu tư ở Mỹ, trước hết phải giữ được chân ở Mỹ trước đã. Do đó tôi nhận lời làm chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp tại RJ Corman Railroad Group.

Giờ nghĩ lại, hành trình thăng tiến chưa bao giờ là một đường thẳng, do đó tôi không tránh khỏi những lúc tự hỏi bản thân: Không hiểu mình ở lại đây làm cái gì? Nhưng chưa bao giờ tôi bỏ cuộc. 

làm việc cùng chuyên gia.
Võ Vũ Thùy My làm việc cùng chuyên gia. Nguồn ảnh: Internet

Tình cờ trên một chuyến bay, Thùy My ngồi cạnh một giám đốc đầu tư. Sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi trên chuyến bay đó, Thùy My đã liên lạc với ông ấy hàng tuần và coi ông như một mentor giúp mình học thêm các kiến thức thực tế về đầu tư, và biết rằng ông là cơ hội duy nhất có thể giúp mình tìm kiếm công việc trong ngành đầu tư mà mình mơ ước.

Ông ấy cũng là người khuyên Thùy My nên đi học CFA (viết tắt của Chartered Financial Analyst® - là chương trình học do Hiệp hội CFA - Hiệp hội quốc tế dành cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp, cấp chứng chỉ) nếu muốn theo đuổi chuyên ngành về đầu tư. Học xong CFA level 1, Thùy My đề nghị ông ấy mở cho mình một vị trí analyst ở quỹ đầu tư của ông ở Boca Raton, South Florida.

Thùy My tin rằng chính cuộc gặp gỡ đó đã tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp của mình và giúp cô có cơ hội được làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích. Theo nữ lãnh đạo của Fuel VC, mọi người đều có những cơ hội đến trong đời, quan trọng là mình luôn sẵn sàng để đón nhận nó.

“Có những người đi qua trong cuộc đời sẽ làm thay đổi cuộc đời của bạn, chúng ta phải sẵn sàng nhận ra họ và kết nối với họ. Trong hành trình 17 năm ở Mỹ, tôi đã kết nối được với nhiều anh chị em người Việt và điều đó giúp ích rất nhiều trong học tập, thậm chí là những mối quan hệ công việc sau này”, Thùy My nói.

Một trong những lời khuyên được General Partner của Fuel VC đưa ra là mọi người nên giữ kết nối cả short-term (ngắn hạn) và long-term (dài hạn). Trong đó, kết nối ngắn hạn có thể chỉ là 5 phút để tạo ấn tượng với người đối diện, cho họ thấy mình là người tiềm năng. Còn kết nối dài hạn là việc tiếp tục duy trì mối quan hệ đó.

Cơ duyên đầu tư vào startup OhmniLabs của Thức Vũ

Trong danh mục đầu tư của Fuel VC có startup về robot OhmniLabs do Tiến sĩ Thức Vũ đồng sáng lập. Thức Vũ từng được Silicon Valley Business Journal, tạp chí kinh doanh uy tín tại Mỹ, vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Silicon.

Khi kết nối với Thức Vũ và tìm hiểu về startup của anh, Thùy My nhận thấy tiềm năng ở sản phẩm robot vận hành bằng trí tuệ nhân tạo của OhmniLabs trên thị trường thế giới. Nhưng trên hết, quyết định đầu tư của cô đến từ chính con người của Thức Vũ, một người Việt thực sự đam mê với robot, AI, một tài năng mà cô đã dõi theo trong nhiều năm.

“Đầu tư vào startup cũng là đầu tư vào nhà sáng lập. Tôi muốn biết nhà sáng lập của startup đó đã có hành trình xây dựng công ty như thế nào trước khi đầu tư, họ đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống ra sao”, nữ lãnh đạo của Fuel VC chia sẻ.

Trên cương vị của nhà đầu tư, Thùy My cho rằng mỗi startup lại có một bài toán riêng ở từng giai đoạn cần tìm lời giải. Khi còn ở giai đoạn tạo ra sản phẩm, startup cần những nhà đầu tư có thế mạnh về sản phẩm hay công nghệ để đưa ra những góp ý. Đến vòng gọi vốn series A, series B, khi đã có những kiểm chứng về sản phẩm, startup cần tiếp thị thương hiệu rộng rãi hơn tới thị trường, lúc này bạn cần những nhà đầu tư có thể hỗ trợ để mở rộng mối quan hệ hợp tác để phục vụ được nhóm khách hàng mới. Thùy My cho rằng một trong những lý do startup thường “rạn nứt” là bởi những kỹ sư đã đặt những viên gạch đầu tiên bỗng một ngày không còn tìm được tiếng nói chung để xây tiếp “ngôi nhà” của mình nữa. Trong khi đó, các cofounder của OhmniLabs đã gắn bó một thời gian khá dài. Ngoài ra, cô cũng nhấn mạnh rằng ưu điểm khác biệt trong thị trường cũng là một yếu tố quyết định để Fuel Venture Capital rót vốn cho công ty này.

“Hiện nay ở Mỹ, tôi đang phát triển một hệ sinh thái bao gồm tất cả các nhà đầu tư có thể giúp đỡ cho startup từ vấn đề công nghệ, tiếp thị-bán hàng, truyền thông, luật pháp hay thoái vốn”, Thùy My nói.

“Mỗi công ty lại cần sự giúp đỡ khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Do đó, tôi muốn trở về Việt Nam và tạo thêm nhiều kết nối với những nhà đầu tư như vậy để tìm kiếm sự hỗ trợ cho các startup và xây dựng một hệ sinh thái tương tự ở Việt Nam”, cô nhấn mạnh.

TH