Đồng Tháp: Tiếp sức cho phụ nữ nông thôn khởi nghiệp

22:36 03/08/2024

“Khởi nghiệp” là một trong những điểm sáng ấn tượng của tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là trong việc khuyến khích người dân thử sức và thành công với môi trường kinh doanh lý tưởng.

Trong đó, huyện Tam Nông là một huyện thị điển hình với việc đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ các nhân tố có dự định.

Phụ nữ huyện Tam Nông trong thời gian nghiên cứu sản phẩm khởi nghiệp đã dựa vào nguồn tài nguyên bản địa để tạo ra những món hàng chất lượng, sáng tạo, góp phần làm chuyển biến nền kinh tế gia đình một cách tích cực. Một trong các xã đi đầu mô hình này là xã Phú Thọ với sản phẩm cá khô; đây là một trong các mặt hàng truyền đời lâu năm của quê hương Tam Nông, hiện có khoảng 200 hộ dân theo nghề và nhân rộng, đa dạng hóa hình thức, hương vị sản phẩm. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quy trình thành phẩm nhất là đối với những hộ có kinh tế khó khăn; việc duy trì nghề là điều rất khó tính chuyện tương lai. Nắm bắt rõ tình hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong huyện đã trực tiếp điều hành nhân sự rà soát, hỗ trợ các đối tượng đang gặp những khó khăn ấy để kịp thời giúp đỡ và có những biện pháp vượt qua, giúp cho quý bà con có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế.

Chị Hồ Thị Trinh - chủ Cơ sở khô Tú Trinh, ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ (bìa phải) khởi nghiệp thành công và giúp nhiều lao động tại địa phương có việc làm ổn định
Chị Hồ Thị Trinh - chủ Cơ sở khô Tú Trinh, ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ (bìa phải) khởi nghiệp thành công và giúp nhiều lao động tại địa phương có việc làm ổn định.

Nhờ vào sự đồng hành kịp thời của Hội LHPN các cấp, sự phấn đấu vượt lên số phận mà biết bao gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo nhờ vào ngành nghề truyền thống địa phương. Một trong những hộ gia đình điển hình của hoàn cảnh nói trên là gia đình chị Hồ Thị Trinh - chủ Cơ sở khô Tú Trinh, ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông. Chị Trinh chia sẻ, hiện tại mỗi ngày cơ sở khô của chị cung cấp cho thị trường từ 80 - 200kg khô các loại, một con số mơ ước từ lâu của gia đình, tăng gấp 10 lần so với ngày đầu chị bắt đầu vào “đội khởi nghiệp” của xã. Chính cơ nghiệp này cũng là nơi hỗ trợ việc làm cho hơn 10 lao động, đặc biệt là các nhân lực có tuổi cao; bên cạnh đó, “phụng sự xã hội” với các hoạt động trao tặng quà trẻ em hiếu học, chung tay với các hoàn cảnh bất hạnh luôn là một cách làm đáng trân trọng mà chị thầm cảm ơn cuộc sống và những người đã từng giúp đỡ mình, nhất là các đội ngũ hỗ trợ của Hội LHPN địa phương giúp chị có được cơ sở phát triển khô như hôm nay.

Ngoài ra, Hội LHPN huyện Tam Nông cũng giúp cho các hội viên huy động, tiếp cận các nguồn vay vốn tối ưu nhất từ nhiều nguồn như: Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vốn Dự án tín dụng chuyển giao khoa học công nghệ và phát triển kinh tế hộ gia đình. Chính nguồn vốn này đã giúp cho 65 hội viên có thêm điều kiện vật chất trong việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và hương phát triển sắp tới của các cơ sở kinh doanh.

Chia sẻ về lợi ích của chính sách này, bà Đinh Thị Nghiêm - chủ Cơ sở Bánh in 7 Nghiêm, ngụ ấp Phú An, xã Phú Ninh, huyện Tam Nông đã nói: “Khi được Hội LHPN hỗ trợ nguồn vốn cho gia đình, tôi có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh tốt hơn trước rất nhiều. Nhờ có vốn, tôi đã chủ động mua sắm thêm máy móc thiết bị, nguyên liệu để sản xuất, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, sản phẩm bán được nhiều hơn, kinh tế gia đình cũng được ổn định hơn...”Hiện tại, Cơ sở Bánh in 7 Nghiêm cung cấp từ 40 – 50 kg bánh in/ tháng cho thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, sản phẩm này đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. Ngoài ra, đơn vị sản xuất còn phát triển thêm các loại bánh dân gian và sản phẩm chay nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho thị trường.

Bà Mai Thị Ngọc Nhung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Nông, chia sẻ: “Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, thời gian qua, Hội LHPN huyện luôn đồng hành, có nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ chị em KN, kinh doanh mang lại hiệu quả tốt nhất. Hội đã đưa phong trào sáng tạo, KN ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia KN, khởi sự kinh doanh ngày càng tốt hơn; quan tâm định hướng, hỗ trợ các chị có sản phẩm khởi nghiệp thường xuyên nâng chất để tạo thành sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, năng lực kinh doanh, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp...”

Trong tương lai, chị em phụ nữ huyện Tam Nông nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung hứa hẹn sẽ có nhiều bước đột phá nhanh chóng trong khởi nghiệp tỉnh nhà; nhằm góp phần vừa đem đến sự thịnh vượng cho nền kinh tế gia đình, vừa giúp cho thị trường có nguồn sản phẩm ngon, chất lượng, đặc biệt là kiến tạo chuỗi ngành hàng đặc trưng mang thương hiệu quê hương Đất Sen Hồng – miền quê trù phù, đa dạng sản vật địa phương và nguồn tài nguyên quý giá.

Thúy Quyên