Dư lượng thuốc trừ sâu quá lớn, ớt Việt Nam bị Hàn Quốc thu hồi

16:41 12/04/2023

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ngay lập tức thu hồi sản phẩm ớt Việt Nam và yêu cầu người tiêu dùng đã mua sản phẩm ngừng ăn và trả lại nơi mua.

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ra thông báo sẽ ngừng bán và thu hồi sản phẩm ớt của Việt Nam sau khi kiểm tra và phát hiện ớt Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn.

Sản phẩm bị thu hồi là ớt Việt Nam có năm sản xuất 2021 và 2022 được nhập khẩu từ Công ty TNHH JM Food (Gongju-si, Chungcheongnam-do) và Công ty TNHH Thực phẩm Daelim Global (Gangseo-gu, Busan). Co., Ltd. (Gyeongsan-si, Gyeongsangbuk-do) đã bán các phân khu.

Sản phẩm được nhập khẩu dưới dạng ớt đỏ đông lạnh, sấy khô và chia nhỏ để bán tại Hàn Quốc và bị phát hiện không phù hợp sau khi kiểm tra. Trong các sản phẩm này có phát hiện chất tricyclazole, loại thuốc trừ bệnh được sử dụng chủ yếu trong canh tác lúa, vượt tiêu chuẩn cho phép. Mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện đối với hàng nhập khẩu của JM Food là 0,11mg/kg, gấp 11 lần tiêu chuẩn (dưới 0,01mg/kg) và hàng nhập khẩu của Daelim Global Food là 0,05mg/kg.

Dư lượng thuốc trừ sâu quá lớn, ớt Việt Nam bị Hàn Quốc thu hồi
Dư lượng thuốc trừ sâu quá lớn, ớt Việt Nam bị Hàn Quốc thu hồi.

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ngay lập tức thu hồi sản phẩm và yêu cầu người tiêu dùng đã mua sản phẩm ngừng ăn và trả lại nơi mua.

Trước Công hàm của Đại sứ Hàn Quốc, kèm thông báo yêu cầu kiểm tra của Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc đối với mặt hàng ớt dạng quả của Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (tỉnh có kim ngạch xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc lớn) đã có công văn đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận và các doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Hàn Quốc, về việc kiểm tra an toàn thực phẩm của phía Hàn Quốc.

Theo đó, tỉnh yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu ớt phải có kết quả kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do các phòng thử nghiệm được Bộ An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Hàn Quốc chấp thuận kèm theo lô hàng xuất khẩu. Thời gian tạm thời áp dụng yêu cầu kiểm tra là 1 năm, bắt đầu từ ngày 31/3/2023 đến 30/3/2024.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 4.900 tấn ớt, với kim ngạch đạt 11,9 triệu USD. Cùng với hồ tiêu, quế, hồi, gừng, nghệ..., ớt được xếp vào nhóm gia vị. Thị trường chính của mặt hàng này là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Ả Rập, Ấn Độ và Nga.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Hàn Quốc đạt 3,79 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam được thị trường này khá ưa chuộng.

Trước đó, TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã cảnh báo, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng là những thị trường khó tính, có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường, chuyển đổi tư duy từ số lượng sang chất lượng; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng toàn bộ chuỗi cung ứng; đầu tư thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về ATTP cho quá trình sản xuất và chế biến.

Bà Nguyễn Mai Hương, Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PNTT nhấn mạnh, thời gian tới, Nhà nước cần có một chiến lược quản lý thuốc BVTV toàn diện, cân nhắc các yếu tố khác nhau, không chỉ là các hoạt chất. Chiến lược can thiệp phải giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm cải thiện thực hành sử dụng của nông dân và đưa ra các thực hành tốt nhất (ví dụ như không sử dụng các loại thuốc không được cấp phép/hiệu quả kém)…

Để các nông sản Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao năng lực chế biến.

PV (t/h)