EU kích hoạt đạo luật mang tính bước ngoặt trong công tác quản lý AI

10:19 02/08/2024

Các công ty nói chung sẽ bắt đầu phải tuân thủ đạo luật này vào năm 2026 nhưng các quy tắc áp dụng với các mô hình AI như ChatGPT sẽ được áp dụng 12 tháng sau khi Luật có hiệu lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Liên minh châu Âu (EU) chính thức kích hoạt đạo luật mang tính bước ngoặt trong công tác quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) mà khối này kỳ vọng sẽ bảo vệ quyền công dân trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đạo luật quản lý AI này sẽ dựng lên những lá chắn mới không chỉ giúp bảo vệ người dân và lợi ích của họ mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp và nhà đổi mới những quy tắc rõ ràng và chắc chắn.

Đầu năm nay, sau các cuộc đàm phán khó khăn và căng thẳng, EU đã thống nhất thông qua các quy tắc sâu rộng đầu tiên trên thế giới để quản lý AI, đặc biệt là các hệ thống phổ biến như ChatGPT của OpenAI. Các quy tắc này được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2021 nhưng nhu cầu thực sự trở nên cấp bách hơn khi ChatGPT bùng nổ vào năm 2022 với khả năng sáng tạo ra văn bản giống con người chỉ trong vòng vài giây.

Ngoài ChatGPT thì các công cụ AI nổi bật khác có thể kể đến như Dall-E và Midjourney, có thể sáng tạo ra hình ảnh theo nhiều phong cách chỉ với câu lệnh đơn giản là ngôn ngữ hằng ngày.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, luật mới có tên gọi là "Đạo luật AI". Các công ty nói chung sẽ bắt đầu phải tuân thủ đạo luật này vào năm 2026 nhưng các quy tắc áp dụng với các mô hình AI như ChatGPT sẽ được áp dụng 12 tháng sau khi Luật có hiệu lực.

Ngoài ra, các lệnh cấm sử dụng AI để giám sát dựa trên tổng hợp dữ liệu và các hệ thống sử dụng thông tin sinh trắc học để suy đoán chủng tộc, tôn giáo của một cá nhân sẽ được áp dụng 6 tháng sau khi Luật có hiệu lực.

Tanguy Van Overstraeten, Giám đốc công nghệ của Công ty luật Linklaters tại Brussels, trao đổi với CNBC: “Đạo luật AI của EU sẽ tác động đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang phát triển hệ thống AI nhưng cũng có thể tác động đến những doanh nghiệp đang triển khai hoặc chỉ sử dụng chúng trong một số trường hợp nhất định".

Trong Đạo luật AI, các ứng dụng công nghệ AI khác nhau sẽ được quản lý khác nhau tùy thuộc vào mức độ rủi ro của công nghệ đối với xã hội, luật cũng áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với bất kỳ ứng dụng AI nào được coi là "không thể chấp nhận" về mức độ rủi ro của chúng. Về mặt này, các công ty công nghệ lớn chắc chắn sẽ nằm trong số những cái tên bị nhắm đến nhiều nhất.

"Đạo luật AI có những tác động vượt xa EU. Đạo luật này áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào hoạt động hoặc tác động tại EU, điều đó có nghĩa là Đạo luật AI có khả năng sẽ áp dụng bất kể bạn công ty đó ở đâu", Charlie Thompson, Phó Chủ tịch cấp cao của EMEA và LATAM cho biết.

Eric Loeb, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách các vấn đề Chính phủ tại Công ty công nghệ Salesforce, nói với CNBC rằng, các Chính phủ khác nên cân nhắc tham khảo Đạo luật AI của EU khi xây dựng khung chính sách riêng: "Khung pháp lý của châu Âu khuyến khích đổi mới đồng thời ưu tiên phát triển và triển khai công nghệ một cách an toàn".

Theo quy định của Đạo luật AI, AI tạo sinh sẽ được dán nhãn phân cấp. Đối với các mô hình AI chung bao gồm GPT của OpenAI, Gemini của Google và Claude của Anthropic, Đạo luật AI áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt như tôn trọng luật bản quyền của EU, đào tạo và thực hiện thử nghiệm thường xuyên và bảo vệ an ninh mạng đầy đủ cho các mô hình.

Tuy nhiên, quy định mới của EU có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các mô hình nguồn mở. Các nhà phát triển AI cho biết EU cần đảm bảo các mô hình nguồn mở vẫn có thể được sử dụng để xây dựng các ứng dụng AI tùy chỉnh và không bị quản lý quá chặt chẽ.

Để được cấp phép hoạt động, EU yêu cầu các nhà cung cấp nguồn mở phải công khai các tham số của họ, bao gồm trọng số, kiến ​​trúc mô hình và cách sử dụng mô hình, và cho phép EU "truy cập, sử dụng, sửa đổi và phân phối mô hình".

Các công ty vi phạm các quy định về các hành vi bị cấm hoặc nghĩa vụ dữ liệu sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 7% doanh thu hằng năm trên toàn thế giới.

Hồi tháng 5 vừa qua, EU cũng đã thành lập "Văn phòng AI" gồm các chuyên gia công nghệ, luật sư và nhà kinh tế theo luật mới để đảm bảo luật được tuân thủ nghiêm ngặt. 

"Văn phòng AI hướng đến mục tiêu hỗ trợ sự phát triển, triển khai và sử dụng AI trong tương lai theo cách thúc đẩy đổi mới và lợi ích kinh tế, xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro", AFP trích dẫn thông cáo của Ủy ban châu Âu . 

"Văn phòng sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái AI châu Âu có tính đổi mới, cạnh tranh và tôn trọng các quy tắc và giá trị của EU", Cao ủy về Thị trường nội khối của EU Thierry Breton cho biết.

Thu Hà (t/h)