Giá nước sạch tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng bao nhiêu từ ngày 1/7?

23:02 27/06/2023

Việc điều chỉnh này để các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát, nâng cao chất lượng nước sạch bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Sở Tài chính TP Hà Nội vừa gửi UBND TP Hà Nội tờ trình phương án dự kiến sẽ tăng giá nước sạch sinh hoạt tại Thủ đô từ ngày 1-7-2023; đến ngày 1-1-2024, giá nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng.

Cụ thể, giá nước mới dự kiến điều chỉnh từ 1-7 tới đây như sau:

Ảnh minh họa
Ảnh chụp màn hình.

Cụ thể, đối với hộ gia đình, theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10 - 16 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm 15.000 - 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6 - 8 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng.

Với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch ở 10m3 đầu tiên sẽ giữ nguyên, không tăng giá.

Với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại các địa điểm trên.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Các hộ dân ở vùng nông thôn cũng được cung cấp nước sạch và đảm bảo mặt bằng giá giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt được nâng cao, sức khoẻ người dân ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cải thiện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 14/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01 -1:2018/BYT), thay thế quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế.

Trong đó, yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Để xử lý nước đạt QCVN 01 - 1:2018/BYT, các đơn vị lưu thông cần đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước cũ, tăng cường công tác kiểm định, thay thế nguồn nước cấp để bảo đảm nước sạch cấp đến người dân.

Do vậy, giá nước cần được điều chỉnh để các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát, nâng cao chất lượng nước sạch bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72% (theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ).

Do vậy, theo UBND TP Hà Nội, phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Thu Trang (t/h)