Giảm lực cách ly, đã đến lúc các hội đồng hương vào cuộc?

11:39 09/07/2021

Trước làn sóng “về quê tránh dịch” đang rộ lên từ lực lượng lao động cư trú ở TP.HCM, hầu hết các tỉnh thành miền Trung, miền Tây Nam bộ đều tỏ sự lo lắng bởi khả năng quá tải các khu vực cách ly và gánh nặng cho các lực lượng chức năng tuyến đầu. Một số chuyên gia xã hội cho rằng, đã đến lúc phải huy động các nguồn lực xã hội để hóa giải điều này.

Nhóm xã hội đầu tiên được nhắc đến qua ý kiến tư vấn của một số chuyên gia, chính là các hội đồng hương, những tổ chức xã hội lâu nay luôn nỗ lực vận động, kết nối những cộng đồng cùng quê nhà bản xứ. Dịch bệnh lây lan phải chăng là cơ hội để các hội này thúc đẩy hoạt động? 

Những phiên chợ 0 đồng từ mô hình xã hội hóa là một trong những giải pháp giúp đỡ người lao động khó khăn trong cảnh dịch bệnh.
Những phiên chợ 0 đồng từ mô hình xã hội hóa là một trong những giải pháp giúp đỡ người lao động khó khăn trong cảnh dịch bệnh.

Từ áp lực cho các tỉnh thành…

Khi trao đổi với báo chí về vụ việc các hành khách người Huế từ TP.HCM về phải “quá cảnh” ra Quảng Trị, lãnh đạo địa phương chia sẻ, có thể đây là sự cố chẳng đặng đừng, nhưng xuất phát từ việc chính quyền có công văn gửi ngành đường sắt và hàng không đề nghị dừng bán vé về Huế. Việc chấp hành văn bản đề nghị đó đã đẩy những người dân Huế xa xứ không được mua vé về quê và gây ra những sự cố tổn thất cả tinh thần lẫn thể xác.

Giải thích lý do, lãnh đạo địa phương chỉ có thể thở dài nhìn vào thực trạng các khu cách ly ở Huế “quá đầy, không nhận thêm được nữa”. Bởi áp lực đó, địa phương mới “nhờ hạn chế dòng người về quê” một cách trái khoáy như vậy, gây nên những hệ lụy buồn lòng.

Cũng trong ngày hôm qua, 8/7/2021, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ban hành thông tin về chính sách thực hiện cách ly cho những người về từ các vùng dịch, với 3 điểm khách sạn tự chọn cách ly tập trung giá từ 1 triệu đồng/người/ngày đêm, và chế độ xét nghiệm Sars-Cov-2 giá trọn gói 3 triệu đồng. Như thế, tổng chi phí cho một người cách ly ở Đà Nẵng có thể lên đến 25 triệu đồng với 21 ngày lưu trú, một con số “vượt ngưỡng” với đa số người lao động. Song theo địa phương, con số này là đã rất giảm, bởi áp lực chi phí cho hoạt động cách ly tập trung ở địa phương là rất lớn.

Làm sao để các hội đồng hương phát huy được sức mạnh kết nối là vấn đề nên đặt ra. Ảnh: Một đợt cứu trợ đồng bào lũ lụt do hội đồng hương Quảng Nam tổ chức.
Làm sao để các hội đồng hương phát huy được sức mạnh kết nối là vấn đề nên đặt ra. Ảnh: Một đợt cứu trợ đồng bào lũ lụt do hội đồng hương Quảng Nam tổ chức.

Đến bàn tay đồng hương chung góp?

Trước tình thế TP.HCM hay các tỉnh vùng dịch phải giãn cách xã hội, hoàn cảnh sinh hoạt của đa số người lao động sẽ rất bí bách, và giải pháp họ nghĩ đến luôn là “về quê lánh nạn”. Chi phí cuộc sống ở quê, theo một số người phân tích, có khi chỉ bằng tiền nhà trọ giữa TP.HCM. Do đó, lượng người từ đô thị thương mại lớn nhất nước này đổ về miền Trung hay miền Tây trong vài ngày tới sẽ chỉ có tăng lên.

Giải pháp được nhiều người đề xuất, là phải vận động “ai ở yên đó” đi đôi với các phương thức hỗ trợ thực tế cho đời sống người lao động. Một đại diện hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM chia sẻ, đây là câu chuyện đang được các thành viên hội này đặt ra. Nếu có thể kết nối, vận động người dân xa quê ở yên trong các khu vực có nguy cơ dịch, sẽ tránh được cảnh đi lại chen lấn với các loại hình phương tiện, tiết giản được chi phí và an toàn.

Muốn vậy, theo vị đại diện này, chính quyền các địa phương cần lên kịch bản “xã hội hóa” cùng các hội đồng hương, dùng chính hoạt động tổ chức tương thân tương ái qua mô hình này, mà kết nối, vận động người dân. Khi các hội tổ chức những dạng “chợ 0 đồng”, hay “giỏ đi chợ quê hương”, để người lao động đang khó khăn được trợ cấp lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, kèm vận động không nên về quê, chắc chắn họ sẽ bỏ ý nghĩ đó.

Lợi điểm của cách tổ chức này, là vừa thiết thực giúp người lao động đang khó vượt qua gian nan, vừa kết nối tâm lý tình cảm của những người đồng cảnh đồng hương, tạo sức mạnh cộng đồng lớn. Hơn nữa, chi phí hoạt động tương trợ này, tính ra thấp hơn nhiều so với những khoản tiền xã hội mất đi khi người lao động đi lại, bị cách ly… Chỉ nói đơn giản chi phí tổ chức một khu cách ly tập trumg bằng ngân sách nếu có thể dùng tài trợ cho việc hỗ trợ tại chỗ với người lao động, đã tiết kiệm và hiệu quả hơn nhiều.

Liệu có khả thi?

Một đại diện hội đồng hương Huế tại TP.HCM nhận xét, nếu chính quyền thật sự tin tưởng, khích lệ mô hình hội tham gia hoạch định hỗ trợ lao động người Huế, vận động họ không về quê nữa, trong giai đoạn giãn cách vẫn được bảo đảm cuộc sống, thì áp lực lo lắng các khu cách ly quá tải, lượng người Huế về quê làm căng thẳng các tuyến đầu chống dịch, sẽ cơ bản giải quyết. Tổng chi phí đầu tư bỏ ra cho giải pháp này, sẽ giảm thiểu rất nhiều, thậm chí còn huy động được rất tốt các nguồn tài trợ xã hội khác, không chỉ đơn thuần dùng tiền ngân sách địa phương.

Quan trọng hơn, khi mô hình do chính quyền hợp tác hội đồng hương triển khai, ý nghĩa sẽ rất lớn, tạo thêm niềm tin và thiện cảm của người dân với hoạt động thiết thực của địa phương trước cuộc sống của họ. Khối đoàn kết toàn dân vì thế chỉ tăng thêm và tích cực hơn.

Có thể khẳng định, một trong những nền tảng quan trọng của văn hóa đoàn kết trong dân tộc Việt Nam, chính là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đã có từ truyền thống mấy ngàn năm. Những hình ảnh cây đa bến nước quê hương luôn là động lực to lớn để mỗi con người Việt Nam dù đang ở đâu hay hoàn cảnh nào, cũng sẵn sàng chìa tay giúp đỡ, nối kết bên nhau. Do đó, nếu có thể khích lệ tinh thần tương thân gia tộc, hội đoàn, quê hương xứ sở, để tạo thêm những cơ hội đoàn kết trong cộng đồng xã hội, chắc chắn cuộc chiến đối đầu dịch bệnh của mỗi địa phương, mỗi vùng đất, mỗi gia đình và mỗi cá nhân sẽ đạt thắng lợi rỡ ràng!

Nguyên Đức