Hà Tĩnh tập trung hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2022

21:15 11/07/2022

Hà Tĩnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh giải ngân vống đầu tư công; tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn vào đầu tư vào địa bàn để phát triển đồng bộ.

Sáng 11/7, BCH Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 16, nghe báo cáo tình hình KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình KT-XH tỉnh nhà đạt một số kết quả khá tích cực.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt 10.906 tỷ đồng, bằng 67% dự toán, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 14.661 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ.

Hà Tĩnh tập trung hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2022
Hà Tĩnh tập trung hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 2 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 23.500 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước; lượng khách tham quan tăng gấp 3 lần cùng kỳ và vượt chỉ tiêu đề ra năm 2022.

Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư có những tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gần 700 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 5.180 tỷ đồng. 10 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD.

Hoạt động tín dụng cơ bản ổn định, dư nợ tăng trưởng tốt. Các hoạt động xây dựng nông thôn mới tiếp tục được duy trì, phát triển.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2021 như: tăng trưởng kinh tế đạt 0,08%; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt thấp (đạt 32,6%); chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm hơn 7%; sản xuất lúa vụ xuân năng suất thấp hơn so với năm 2021…

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế và làm rõ khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Cùng đó, dự báo bối cảnh tình hình những tháng cuối năm và đề xuất các giải pháp phát triển KT-XH.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành bám sát 12 nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh để triển khai cụ thể các nội dung. Trong đó, tập trung cao cho xây dựng nông thôn mới và các nội dung chuyển đổi số, tích tụ ruộng đất, cải cách hành chính, phát triển doanh nghiệp...

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể, đổi mới chính sách pháp luật về đất đai và tổ chức cơ sở Đảng.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ngành quan tâm cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao; triển khai bài bản, có lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; tham mưu giải pháp để quản lý giống và cơ cấu giống; quan tâm hơn đến các công trình văn hóa; đảm bảo tình hình an ninh trật tự;

Tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh giải ngân vống đầu tư công; tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn vào đầu tư vào địa bàn để phát triển đồng bộ.

PV