Hòa Bình: 6 tháng đầu năm 2023, thành lập mới 58 hợp tác xã, tăng 45% so với kế hoạch

09:47 26/06/2023

Từ đầu năm đến nay, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục được duy trì hoạt động ổn định. Thu nhập của HTX và người lao động có chiều hướng gia tăng, góp phần phát thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Hợp tác xã Nông nghiệp Mật ong Đại Nghĩa tại xã Độc lập (TP Hòa Bình) thu hút 7 thành viên tham gia.
Hợp tác xã Nông nghiệp Mật ong Đại Nghĩa tại xã Độc lập (TP Hòa Bình) thu hút 7 thành viên tham gia..

6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã thành lập mới 58 hợp tác xã, tăng 45% số với kế hoạch. Có 16 tổ hợp tác thành lập mới, tăng 60% so với kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 419 hợp tác xã, 4 quỹ tín dụng nhân dân và 209 tổ hợp tác.

Phần lớn các hợp tác xã có quy mô nhỏ; tổ chức và quản lý điều hành gọn nhẹ, linh hoạt, phạm vi hoạt động đa dạng và phong phú. Các tổ hợp tác hoạt động chủ yếu là giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm... Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo ở địa phương.

Các tổ chức kinh tế tập thể đã thu hút 17.080 thành viên tham và tạo việc làm cho hơn 31.000 người lao động. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã đạt khoảng 2,41 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của một tổ hợp tác là khoảng 225 triệu đồng. Tổng lợi nhuận của các tổ chức kinh tế tập thể đạt 129,8 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến về phương thức hoạt động, đạt hiệu quả theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 hoạt động đa ngành nghề, thích ứng với cơ chế thị trường; từng bước mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Hoạt động liên doanh, liên kết, sản xuất gắn với chuỗi giá trị của hợp tác xã bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Các khâu trong chuỗi mà hợp tác xã tham gia, tập trung chủ yếu ở khâu trồng trọt, chăn nuôi. Hình thức sản xuất có hợp đồng ký kết giữa hợp tác xã với thành viên hợp tác xã hoặc giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, hộ nông dân, hộ kinh doanh. Hợp tác xã tự tạo ra giá trị gia tăng; tác động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế, việc làm, đời sống cho thành viên, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương; gắn kết hữu cơ chuỗi giá trị sản xuất cá thể của hộ nông dân với khâu dịch vụ đầu vào, dịch vụ đầu ra, áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, gắn nông nghiệp với công nghiệp. Từ đó mang lại lợi ích to lớn cho thành viên hợp tác xã, người nông dân.

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình