Doanh nghiệp Hòa Bình với Chương trình sản phẩm OCOP

11:14 19/09/2022

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến tháng 8/2022, tỉnh Hòa Bình đã có 100 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 22 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao.

Ảnh minh họa
Sản phẩm OCOP Hòa Bình tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại Sơn La.

Chương trình OCOP đã phát huy sức mạnh của cộng đồng, đặc biệt là doanh nghiệp trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của tỉnh. Từ Chương trình OCOP, Hòa Bình đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP của Hòa Bình mà chủ thể là các doanh nghiệp, HTX – Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, thị trường Hà Nội, như: Cam Cao Phong, chuối Viba Lương Sơn, dưa lưới Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, gà ri Lạc Thủy, gà tươi Lạc Sơn, dưa kim hoàng hậu… một số sản phẩm OCOP đã xuất khẩu ra thi trường thế giới như: Nhãn Sơn Thủy, chè Sông Bôi, mía tím, măng khô Lạc Thủy… Sản phẩm OCOP Hòa Bình đã và đang khẳng định uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.

Ông Trần Văn Thú, Phó Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long cho biết, cây chè được trồng trên đất Sông Bôi từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhưng bấy giờ sản phẩm chè Sông Bôi chỉ tiêu thụ trong tỉnh Hòa Bình và một vài tỉnh lân cận. Mấy năm gần đây, Công ty đã đưa giống chè mới LDP1 vào trồng, ngoài diện tích chè của Công ty quản lý, Công ty còn liên kết với các hộ dân các xã Phú Thành, Đồng Tâm, Phú Nghĩa trồng chè.

“Sản phẩm chè của Công ty được kiểm soát ATTP rất nghiêm ngặt trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, sản phẩm chè Sông Bôi của Công ty Sông Bôi Thăng Long đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Sản phẩm chè Sông Bôi được đóng gói, gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Chè của Công ty chủ yếu xuất khẩu, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 150 tấn chè khô”, ông Thú chia sẻ.

Ông Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NNPTNT huyện Lạc Thủy cho biết, Công ty Sông Bôi Thăng Long là chủ thể đầu tiên của huyện có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật, công nghệ, phát triển chuỗi liên kết tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng. Hiện nay Lạc Thủy đã có 13 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, phần nhiều chủ thể sản phẩm OCOP là doanh nghiệp. Lạc Thủy cũng là địa phương dẫn đầu tỉnh Hòa Bình đưa sản phẩm OCOP và nông sản lên sàn TMĐT, từ đó giúp chủ thể thiết lập thêm kênh tiêu thụ nông sản, giảm thiểu sự phụ thuộc vào tư thương. Các doanh nghiệp nhỏ có thể trực tiếp tham gia, dễ dàng liên kết với người tiêu dùng. Đây là động lực tạo đà cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn huyện ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. 

Ảnh minh họa

Sản phẩm OCOP – Nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) đã có mặt trên thị trường EU.

Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong cho biết, mục tiêu của HTX là “Giữ vững và nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong”. Sản phẩm chính của HTX là “Cam quà tặng cao cấp” được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, năm 2020 được nâng hạng lên 4 sao. Để giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao, HTX luôn tuân thủ nghiêm quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời đầu tư 600 triệu đồng lắp đặt hệ thống dây chuyền sơ chế sau thu hoạch; thiết kế bao bì, nhãn mác đóng gói và thư cảm ơn khách hàng đã tin tưởng lựa chon sản phẩm Cam quà tặng cao cấp của HTX. Bà Thủy thông tin, HTX 3T sẽ liên kết với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội triển khai lắp đặt chuỗi dây chuyền sơ chế sản phẩm gồm các quy trình: phân loại sản phẩm, sục rửa ozone, sấy khô và bao màng sinh học, dán tem truy xuất nguồn gốc tự động. Với nỗ lực của mình, HTX 3T nông sản Cao Phong sẽ từng bước tạo dựng vùng trồng cam an toàn, khách hàng tin dùng, đầu ra tiêu thụ ổn định. Khẳng định vai trò, sự đóng góp của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Sản phẩm lợn đen Mường Pa của HTX chăn nuôi lợn đen Mường Pa, xã Bao La (Mai Châu) đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là bước tiến vượt bậc của HTX và 147 hộ vệ tinh tại các xã Bao La, Xăm Khòe, Cun Pheo. Ông Hà Thế Nhiên, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Mường Pa cho biết, khi chưa có HTX, lợn đen của các hộ chỉ được tiêu thụ quẩn quanh tại các chợ trên địa bàn huyện, giá trị kinh tế và sản lượng thấp. Khi HTX ra đời, các hộ chăn nuôi trở thành thành viên của HTX và chịu sự điều hành của HTX từ khâu con giống, quy trình chăm sóc. HTX đã tạo bước ngoặt làm thay đổi tập quán chăn nuôi của hộ nông dân từ chăn nuôi đơn thuần sang chăn nuôi hàng hóa. Người chăn nuôi yên tâm đầu ra cho sản phẩm, không sợ “ế” lợn thành phẩm, không lo giá cả biến động.

Theo ông Hà Thế Nhiên, trung bình mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường trên 50 tấn lợn thương phẩm. HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lợn đen Mường Pa tại các cửa hàng thực phẩm sạch tại TP Hòa Bình, Hà Nội. Trong đại dịch Covid-19, được Hội Doanh nghiệp huyện Mai Châu tư vấn và sự hỗ trợ về vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, HTX đã vượt qua đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mức thu nhập ổn định cho các hộ thành viên. 

Ảnh minh họa
Mía tím ăn tươi Hòa Bình đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Anh, Đức.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ghi nhận và đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, HTX trong Chương trình OCOP. Ông Sứ khẳng định, khi chủ thể sản phẩm OCOP là doanh nghiệp, HTX thì sản phẩm OCOP đó đảm bảo chất lượng cao, có tính lan tỏa trong cộng đồng, hiệu quả thiết thực và bền vững. Sản phẩm OCOP không chỉ tạo dấu ấn - “chữ tín” của doanh nghiệp, HTX trên thị trường mà còn góp phần quan trọng nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương trên thị trường trong nước và thế giới.

Để không ngừng nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các cấp, ngành, các địa phương tập trung định hướng cho chủ thể OCOP nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Tập trung triển khai các chính sách khoa học, công nghệ đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số trong quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức như: tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP, xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại TP Hòa Bình.

Năm 2022, Hòa Bình phấn đấu chuẩn hóa từ 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên. Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao từ các sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ thủy sản cá sông Đà và sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng.

Hồng Bài