Huyện Cẩm Khê (Phú Thọ): Đẩy mạnh phong trào trồng rừng đầu năm cải thiện môi trường sống

18:47 23/02/2022

Toàn huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là hơn 6.731 ha. Trong đó có hơn 728 ha rừng tự nhiên; hơn 1.212 ha rừng phòng hộ; hơn 3.982 ha rừng sản xuất; 1.537 ha rừng ngoài quy hoạch.

 

Lãnh đạo huyện Cẩm Khê tích cực hưởng ứng trồng cây
Lãnh đạo huyện Cẩm Khê tích cực hưởng ứng trồng cây.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và Chỉ thị số 45/CT –TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025” trên cả nước. Phong trào Tết trồng cây được huyện thực hiện tốt; huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phân công cán bộ đi kiểm tra, rà soát lại diện tích đất, quỹ đất; tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ rừng, hướng dẫn bà con cách trồng và bảo vệ rừng. Đặc biệt là chủ động hợp đồng với các đơn vị gieo ươm cây giống lâm nghiệp để đảm bảo nguồn cây giống phục vụ trồng rừng. Vì thế diện tích trồng rừng của huyện mỗi ngày một tăng và luôn là huyện đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng của tỉnh.

Chương Xá là xã có phong trào trồng cây, trồng rừng của huyện. Trong những năm qua, công tác trồng rừng luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, xã đều xây dựng kế hoạch trồng rừng, triển khai đến các hộ dân; tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái cho bà con nhân dân. Để đảm bảo cho công tác trồng rừng và phòng chống cháy rừng hiệu quả, xã thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn hướng dẫn bà con ngay từ lúc xử lý thực bì, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, trồng cây rừng; đặc biệt tuyên truyền cho bà con trồng rừng gỗ lớn theo định hướng của tỉnh.

Xã Hương Lung có tổng diện tích đất đồi rừng 670ha/1.637ha đất tự nhiên, có hơn 300/1.441 hộ tham gia sản xuất đồi rừng. Trước kia, người trồng rừng ở Hương Lung chủ yếu trồng các giống bạch đàn, nhưng nay đã chuyển sang trồng các giống keo vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần cải tạo đất. Nếu như trước kia, người trồng rừng phải vận chuyển xa, bị tư thương ép giá nên giá bán gỗ khá thấp thì nay làng nghề chế biến nông lâm sản Tiền Phong với 15 cơ sở chế biến gỗ  nông lâm sản, việc thu mua tại chỗ đã cải thiện nhiều tình trạng trên. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định phát triển kinh tế đồi rừng là mũi nhọn chủ lực nên trong những năm qua xã đã khuyến khích các hộ trồng rừng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người trồng rừng về vay vốn mua cây giống, phân bón hoặc mua máy móc chế biến gỗ; mở một số tuyến đường lên đồi để giúp người trồng rừng thuận tiện trong khai thác; tiến hành đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp lâu dài cho các hộ để họ yên tâm đầu tư sản xuất. 

Phong trào trồng rừng được hưởng ứng mạnh mẽ đến các thôn xã
Phong trào trồng rừng được hưởng ứng mạnh mẽ đến các thôn xã.

Năm 2021, toàn huyện Cẩm Khê trồng mới được 454,6 ha rừng tập trung, tăng 4% so với cùng kỳ; trồng 153.500 cây lâm nghiệp phân tán, tăng 27% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác đạt 44.489 m3, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Một số xã có tỉ lệ trồng rừng đạt cao như Tam Sơn, Văn Bán, Phượng Vĩ, Hương Lung, Chương Xá, Văn Khúc, Yên Dưỡng. Cùng với việc thực hiện tốt công tác trồng rừng, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng trừ sâu bệnh, phòng cháy chữa cháy rừng; thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra các chủ rừng việc thực hiện trồng rừng thay thế và ký cam kết đảm bảo đúng quy trình, từ đó đảm bảo tính hiệu quả. Thực hiện chính sách giao khoán đất rừng sản xuất nên việc khai thác, thu lợi từ rừng do các chủ rừng quyết định, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khai thác lâm sản. Nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, những năm qua, công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng sản xuất đã đi vào nền nếp, được người dân tự giác thực hiện. Những tồn tại trước kia như: tranh chấp về diện tích, đất được giao sai đối tượng, quá hạn mức, hồ sơ không rõ ràng được các cấp chính quyền giải quyết triệt để, các chủ rừng hoàn toàn yên tâm bỏ vốn để đầu tư phương tiện kỹ thuật, lựa chọn cây giống sao cho hiệu quả, năng suất cao.

Năm 2022, huyện Cẩm Khê tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia trồng rừng trên những diện tích đất trống, đất rừng nghèo kiệt; phấn đấu trồng mới trên 400 ha rừng, với 189.000 cây phân tán, độ che phủ rừng đạt 25,6%; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng trồng, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng hiện có. Tiếp tục rà soát diện tích có khả năng trồng rừng, kiểm kê, rà soát diện tích đã thực hiện trồng rừng theo các dự án khác từ những năm trước; quy hoạch trồng rừng sản xuất với những cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Chú trọng các giải pháp tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về Lâm nghiệp, nâng cao nhận thức của nhân dân trong huyện về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, góp phần thực hiện tốt Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.

PV