Huyện Thanh thủy (Phú Thọ): Sông Đà cạn nước, trên 31 tấn cá lồng bị chết

16:33 17/06/2021

Do mực nước Sông Đà giảm sâu so với mọi năm, trong ngày 16/6/2021, 31,8 tấn cá lồng của một số hộ dân trên sông Đà thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đã bị chết. Trong đó thiệt hại nặng nhất là 2 xã Thạch Đồng và Bảo Yên.

Lồng cá trên Sông Đà mắc cạn
Lồng cá trên Sông Đà mắc cạn. 

 Trên địa bàn huyện đã có 21 lồng cá bị ảnh hưởng với 70% cá chết; tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 1,7 tỷ đồng. Hiện nay, hiện tượng cá chết trong lồng của người dân vẫn tiếp tục diễn ra.

Anh Nguyễn Văn Giáp ở khu 2, xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy cho biết: Gia đình tôi ước thiệt hại khoảng 10 tấn cá. Nguyên nhân cá chết một phần là do đập thủy điện Hòa Bình đóng cửa xả nước không báo trước cho người dân biết. Mặc dù tôi có cập nhật thông tin trên mạng internet nhưng không trở tay kịp vì nước cạn quá nhanh làm các lồng bè nằm “trơ” trên bãi cát. Bên cạnh đó, do mưa lũ nên các ngòi xả nước gây ra sạt lở bờ sông dẫn đến cá bị thiếu ô xy. 

Cá chết nhiều do thiếu ô xy
Cá chết nhiều do thiếu ô xy. 

 Huyện Thanh Thủy có hơn chục hộ nuôi cá lồng trên sông Đà, chủ yếu các loại cá như: Lăng, chiên, diêu hồng, trắm, chép… Theo người dân, vài năm trở lại đây, sông Đà chuyển đổi dòng chảy, hình thành các bãi cát bồi cục bộ đoạn qua khu vực nuôi cá lồng. Khi nước từ thượng nguồn đổ về ít, dòng chảy trên sông kém, thêm phía ngoài khu vực nuôi cá đã bị cát bồi lấp kín nên việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy cho biết: Trước tình hình mưa bão và nước sông Đà lên xuống thất thường đã có hiện tượng cá chết do nước cạn, một số lồng cá còn nổi hẳn trên mặt cát. Chúng tôi cử cán bộ xuống nắm tình hình và hướng dẫn các hộ xử lý cá chết theo đúng quy trình và đảm bảo không gây ô nhiễm mỗi trường; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh lồng, bè nuôi cá hằng ngày để cho dòng chảy lưu thông tốt hơn, cuốn trôi chất thải tịch tụ của cá, giảm thiểu khí độc quá trình nuôi. Đồng thời khuyến cáo người dân tạm dừng thả nuôi mới, chỉ thả mới khi môi trường nước trên sông được đảm bảo, dùng máy sục khí, máy bơm nước để tăng hàm lượng oxy hòa tan.

PV