Khởi công ba dự án giao thông quan trọng đi qua 6 tỉnh thành phố  

16:44 18/06/2023

Ngày 18/6/2023, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk đồng loạt tổ chức lễ khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm.

Gồm: đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh và đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột. Tham dự lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự ở đầu cầu T.P HCM, phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại điểm Phú Mỹ - Bà Rịa Vũng Tàu cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành và địa phương.

Sơ đồ đường  vành đai 3 - TP.HCM
Sơ đồ đường vành đai 3 - TP.HCM.

Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1 đi qua địa bàn 02 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, có chiều dài 53,7km, với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Dự án được chia thành 03 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản, dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ quản, về phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 3 với chiều dài 19,5km, tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng.  

Điểm đầu dự án thành phần 3 tại Km34+200, đường Tô Nguyệt Đình, xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), giáp ranh với địa phận TX.Phú Mỹ. Điểm cuối tại nút giao QL56 thuộc xã Hòa Long (TP.Bà Rịa).

Ông Kiều Anh Mận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD giao thông Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - đơn vị thi công cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài: khoảng 53,7 km. Điểm đầu kết nối với QL.1 tránh TP. Biên Hòa thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối dự án giao với QL.56 thuộc TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối với tuyến cao tốc đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai với chiều dài 34,2km (thuộc địa phận thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành); Và đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với chiều dài 19,5 km (thuộc địa phận thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa).

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được hoạch định là trục cao tốc đảm nhận vai trò vận tải hàng hóa, hành khách kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ với cảng biển cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu, đây là vùng kinh tế động lực lớn nhất cả nước, vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Khi tuyến đường này hoàn thành đưa vào khai thác sẽ đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng bộ, hiện đại; góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, giảm tải cho QL51; bảo đảm quốc phòng, an ninh cho khu vực nói chung và cho các địa phương Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng tàu nói riêng. 

Ông
Ông.Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu tại lễ khởi công

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để khởi công dự án. Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt 90%. Tỉnh đã bố trí đủ vốn ngân sách tỉnh để thực hiện các nội dung công việc thuộc nhiệm vụ của địa phương; hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án như lựa chọn, ký hợp đồng với nhà thầu, chuẩn bị sẵn nguồn nguyên vật liệu, bảo đảm có thể triển khai thi công dự án ngay sau lễ khởi công.

“Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu là dự án giao thông trọng điểm mà Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154 của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ, xác định đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm mở ra tuyến giao thông kết nối các địa phương trong khu vực với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, giúp giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến QL51 hiện hữu. Khi công trình đưa vào hoạt động, thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến Bà Rịa dự kiến rút xuống chỉ còn 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hình thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, phát huy tối đa lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, qua đó giúp DN giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tạo động lực để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Dự án dự kiến đưa vào sử dụng năm 2026.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (hơn 47 km), các tỉnh: Đồng Nai (hơn 11 km), Bình Dương (gần 11 km), Long An (gần 7 km).

Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố.

Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h.

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương 50% và ngân sách các địa phương 50%.

Theo kế hoạch, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5 km. Điểm đầu tại nút giao giữa QL.26B và QL.1 (Km1415+250), khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Điểm cuối tại vị trí giao cắt khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, thuộc địa phận huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô quy hoạch 4 làn xe.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m đối với đoạn Km0+000 - Km7+700 (nút giao cao tốc Bắc - Nam phía Đông).

Đoạn Km7+700 - Km117+500 (cuối tuyến) sẽ được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m, bố trí làn dừng xe khẩn cấp không liên tục. Tại các vị trí công trình hầm, một số cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp và các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao theo quy mô hoàn thiện. Tổng mức đầu tư chung của cả dự án là gần 22.000 tỷ đồng.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32 km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48 km thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.

Theo kế hoạch, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công Vành đai 3 - TP.HCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công Vành đai 3 - TP.HCM.

Đến tham dự và chỉ đạo, Thủ Tướng CP Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Theo Thủ tướng, GTVT nói chung, cao tốc, sân bay bến cảng mang lại kết quả rõ nét, hạ tầng phát triển tới đâu, không gian phát triển đến đó. Nhiều khu đô thị, công nghiệp dịch vụ, y tế, giáo dục quỹ đất được khai thác hiệu quả. “Đất nước chúng ta chỗ nào phát triển hạ tầng chiến lược tốt thì tốc độ phát triển rất nhanh. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, 20 năm tập trung phát triển hạ tầng là 20 năm nước bạn có tốc độ phát triển 2 con số trở lên”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh nước ta luôn xác định đột phá hạ tầng là mục tiêu chiến lược.

Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km, Thủ tướng cho rằng đến năm 2025, nước ta phải đạt ít nhất 3.000 km. Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội 13, 14, cả nước phải phát triển gấp 4 lần đường cao tốc của giai đoạn trước. “Đây là nhiệm vụ nặng nề, tuy nhiên chúng ta đã có nhiều bài học quý giá để khắc phục những bất cập của giai đoạn trước. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đưa vào khai thác thêm 566km đường cao tốc, nâng tổng số km cao tốc cả nước lên 1.729 km đến thời điểm này. “Tất cả đã vượt nắng thắng mưa, vượt đại dịch để đạt kết quả này”, ông nói.

Thủ tướng cũng nêu rõ: 3 dự án khởi công hôm nay được đẩy mạnh phân cấp phân quyền (cơ chế đặc thù giao cho các địa phương), được Quốc hội ủng hộ.

"Cứ hình dung gần 2.000 km cao tốc, nếu chỉ mỗi Bộ GTVT chủ trì thì sẽ khó khăn đến mức nào. Cho nên cơ chế phân cấp phân quyền cho địa phương rất quan trọng quyết định thành quả", Thủ tướng nói và cho biết thêm: Nhiệm kỳ này, nước ta dự tính có 500.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông. Ngoài ra còn huy động nguồn vốn Trung ương, địa phương như Vành đai 3 (địa phương 50%, Trung ương 50%). Kế đến là nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn đầu tư trung hạn; nguồn vốn hợp tác khác; nguồn vốn các chương trình phục hồi. Từ 5 nguồn vốn này chúng ta mới có nguồn lực lớn như thế.

Thủ tướng biểu dương tinh thần nỗ lực của TP.HCM, trong thời gian ngắn đã hoàn thành hơn 80% mặt bằng thi công, đủ điều kiện để khởi công dự án. Quan trọng nhất của việc đưa các dự án giao thông về đúng tiến độ đó là mặt bằng và nguồn vốn

Thu Hiền