Khủng hoảng lao động hậu đại dịch kìm hãm hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ như thế nào?

11:00 23/05/2021

Khi tăng trưởng kinh tế dần hồi phục, các nhà tuyển dụng lao vào cuộc đua tìm kiếm nhân lực đã bị sa thải trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho thấy, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ và dịch vụ chuyển phát vẫn tiếp tục giảm trong tháng 4, làm dấy lên cuộc tranh luận về các chính sách trợ cấp thất nghiệp có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng hiện nay?

Người lao động mất việc làm của Mỹ đang được hưởng các gói phúc lợi nâng cao, bao gồm khoản trợ cấp thêm 300 đô la mỗi tuần, cao hơn mức lương tối thiểu. Ngoài ra, người lao động có thể xin gia hạn trợ cấp đến đầu tháng 9 trong khuôn khổ gói cứu trợ đại dịch trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của chính quyền Tổng thống Biden đã được phê duyệt vào tháng 3. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Đối với các nhà sản xuất, vấn đề lao động trở nên phức tạp hơn do sự gia tăng nhu cầu và xu hướng chuyển dịch từ tiêu dùng sang hàng hóa dịch vụ của người dân trong nước. Theo viện Quản lý cung ứng, lượng hàng tồn đọng của các nhà máy đã đạt mức cao kỷ lục trong hai tháng qua. Dave Reilly, Giám đốc điều hành của United Solutions Inc, một nhà sản xuất nhựa ở Leominster, Massachusetts chia sẻ trong 30 năm làm sản xuất, anh chưa từng chứng kiến cuộc đình trệ nào lớn như vậy. Do thiếu khoảng 100 công nhân, nhà máy còn 25% sản lượng cần hoàn thành buộc tất cả các nhân viên văn phòng và giới quản lý cũng phải xắn tay áo học cách chạy máy. Tình trạng thiếu nhân lực còn làm tăng chi phí lao động khi các công ty phải tăng công suất 24/7 và rất khó khăn để tìm người làm ca thứ ba hoặc qua đêm.

Dù rằng khủng hoảng lao động chưa thể ảnh hưởng sâu sắc như thiếu chip bán dẫn nhưng thay vào đó, tình trạng này buộc các doanh nghiệp phải trì hoãn hàng loạt chuyến hàng, bỏ lỡ cơ hội phát triển. BCI Solutions Inc, một xưởng đúc ở Bremen, Indiana đã mất hợp đồng 1,6 triệu đô la vào tháng trước do thiếu nhân công. J.B. Brown, chủ tịch BCI cho hay, các lô hàng bị bỏ lỡ chiếm khoảng 4% doanh thu hàng năm khoảng 40 triệu đô la Mỹ. BCI cần khoảng 250 người để vận hành sản xuất với tốc độ nhanh chóng để đáp ứng tất cả các đơn đặt hàng nhưng từ đầu năm nay Brown đã không thể bổ sung đủ số lượng. Hiện BCI chỉ còn 121 nhân công. Ông Brown cho rằng khoản trợ cấp thất nghiệp cùng với sự xuất hiện của các công ty xe giải trí cung cấp lương thưởng cao hơn là những nguyên nhân chính khiến BCI rơi vào tình thế hiện nay. Ngoài BCI, các công ty khác cách đó nửa dặm cũng thiếu khoảng 1000 người và cơ sở sản xuất Dairy Queen của thị trấn đã bắt đầu đóng cửa một ngày một tuần do không có người làm.

Jason Lippert, Giám đốc điều hành của LCI Industries, nhà cung cấp linh kiện lớn nhất cho ngành công nghiệp xe giải trí (RV) cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông nói: “Các nhà sản xuất RV khác có mức lương cao nhất trong khu vực, lên tới 50 đô la một giờ. Vì vậy, nhìn chung, người lao động sẽ tìm cách nhảy việc 20 đô la một giờ nếu họ không hài lòng ở nơi cũ”. Bất chấp rủi ro lợi nhuận, các nhà tuyển dụng không còn cách nào khác là tăng lương để thu hút nhân công cho các dây chuyền lắp ráp.

TL