Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên toàn quốc

04:50 11/07/2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc-xin hằng năm.

Đây có thể được coi là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, Việt Nam sẽ thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho 75 triệu người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo đó, Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn quốc đã được tổ chức sáng 10/7, tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Sự kiện do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động, cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và Đại sứ quán một số nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm Sở Chỉ huy Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng đặt tại khuôn viên trụ sở Bộ Quốc phòng, tham dự lễ trao hai triệu liều vắc-xin Moderna của Hoa Kỳ tặng Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết!

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh.

Thủ tướng đồng thời khẳng định Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc-xin hằng năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Đây là sự cố gắng rất lớn.

Có thể nói, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong nỗ lực kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

“Hôm nay chúng ta có mặt ở đây với cảm xúc rất đặc biệt. Đặc biệt của tâm tư và suy nghĩ hướng về TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, nơi nhân dân đang phải đối mặt với sự khó khăn, phức tạp hơn của dịch bệnh, nơi cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, giãn cách… để chống dịch thành công. Nơi chúng ta cần thể hiện tấm lòng, sự đoàn kết và sự chia sẻ hơn bao giờ hết. Nơi chúng ta cảm nhận được sự bao dung, nhân ái, cảm thông và không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài cuộc trong việc tiếp cận vaccine”, Thủ tướng xúc động phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới đều không thể lường trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Trong bối cảnh đó, vắc-xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với ông Kamal Malhotra - Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về vấn đề vaccine tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với ông Kamal Malhotra - Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về vấn đề vaccine tại Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay.

Sự ra đời của Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và các bạn bè quốc tế, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Tính đến nay, Quỹ đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng và đang sử dụng để mua vaccine phục vụ nhân dân.

Thời gian qua, nguồn cung vắc-xin khan hiếm và nước ta thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả cho nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vắc-xin. Với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Bộ ngành liên quan trong thực hiện ngoại giao vắc-xin, nhất là việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể, chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng hơn 100 triệu liều trong năm 2021.

Việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước cũng đang đạt được những bước tiến rất tích cực, tiềm năng. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện đã tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc sử dụng vaccine trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vắc-xin đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc-xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả.

Mục tiêu của Chiến lược vắc-xin là tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vắc-xin cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc-xin.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu, khi đã có vắc-xin phải thực hiện tiêm chủng miễn phí cho nhân dân đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai tiêm chủng trên diện rộng.

Để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương có liên quan, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, hiệu quả.

Đặc biệt trong thời gian tới, lượng vắc-xin về nhiều, cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho nhân dân.

Thủ tướng khẳng định, để thực hiện Chiến lược vắc-xin, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc-xin hằng năm.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các tổ chức quốc tế, bạn bè, đối tác quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài đã chung tay chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong phòng chống dịch và phân phối, cung cấp vắc-xin.

Trần Linh (T/h)