Lý do gì khiến người tiêu dùng Thái Lan "quay lưng" hãng xe điện BYD?

10:42 30/07/2024

Hành trình xâm nhập thị trường của BYD tại quốc gia châu Á này vô cùng gian nan khi hãng này đối mặt áp lực về lợi nhuận.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hãng xe điện BYD của Trung Quốc mở một nhà máy tại Thái Lan vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, hành trình xâm nhập thị trường của BYD tại quốc gia châu Á này vô cùng gian nan khi hãng này đối mặt áp lực về lợi nhuận vì liên tục giảm giá mẫu xe SUV Atto 3 nhằm duy trì vị thế dẫn đầu thị trường, theo Nikkei Asia.

Động thái trên nhanh chóng vấp phải làn sóng phản đối từ người tiêu dùng Thái Lan. Đối với dòng xe Atto 3, mức giảm giá lên đến 340.000 baht (238 triệu đồng) so với giá niêm yết. Giá xe thấp khiến những người đã mua xe nhưng muốn bán lại phải "than trời".

"Tôi được thông báo rằng giá xe sẽ tăng sau 2 tháng sau khi trợ cấp của chính phủ hết hạn. Thông thường, bảo hiểm chi trả 80% giá trị xe mới và khấu hao 10% mỗi năm, nhưng mức giảm giá đã đẩy giá xuống thấp kịch sàn", theo ông Darakorn, người mua một chiếc Atto 3 vào tháng 1.2023. 

Với khoản vay ngân hàng và trợ giá 100,000 baht (khoảng 68.5 triệu VNĐ) từ chính phủ, chiếc SUV này đã có giá 1.19 triệu baht (khoảng 815 triệu VNĐ). Giờ đây, ngay cả những mẫu Atto mới nhất ra mắt đầu năm nay cũng có giá dưới 1 triệu baht (khoảng 685 triệu VNĐ).

"Nếu anh thông báo trước rằng giá xe sẽ giảm 340,000 baht (khoảng 233 triệu VNĐ) sau một năm, anh nghĩ có ai sẽ mua xe của anh không?", anh ấy nói.

Darakorn đã liên hệ các chủ sở hữu xe BYD khác trên Facebook để xem xét khả năng kiện tập thể. Các khiếu nại đã được gửi đến Hội đồng Bảo vệ Người tiêu dùng tại Thái Lan, cơ quan vốn đang được yêu cầu điều tra các chương trình giảm giá liên tục không chỉ từ BYD mà còn từ các đối thủ cạnh tranh.

Trước đó, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan cho biết, họ đã nhận được 100 khiếu nại kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cũng yêu cầu Tổng Giám đốc điều hành BYD Vương Truyền Phúc bình ổn giá cả để bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan. Phản hồi lại, ông Vương cam kết sẽ hỗ trợ những khách hàng bị thiệt hại và cam kết mức giá trong tương lai sẽ phù hợp.

Cuộc chiến giá cả nổ ra trong bối cảnh Thái Lan, thị trường ô tô lớn thứ hai châu Á, đang phải đối mặt với ba thách thức cùng lúc: tăng trưởng kinh tế  yếu, nợ tiêu dùng cao và tình trạng thừa xe điện, chủ yếu được nhập khẩu  từ Trung Quốc.

Làn sóng xe điện nhập khẩu nguyên chiếc đã gây ảnh hưởng mạnh đến các nhà sản xuất và nhà cung cấp linh kiện cho xe động cơ đốt trong, buộc họ phải cắt giảm sản lượng và đóng cửa nhà máy. Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đã hạ mục tiêu sản xuất hàng năm từ 1,9 triệu xe xuống còn 1,7 triệu xe.

Trong khi đó, các tài xế đang trì hoãn việc mua xe, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt giảm giá từ các hãng xe vào cuối năm. Tổng doanh số bán ô tô đã giảm 24% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Vào tháng 6, chỉ có 47.600 xe được bán ra, ít hơn gần 17.000 xe so với năm ngoái. 

Trong khi đó, các ngân hàng cũng đang chứng kiến sự sụt giảm trong danh mục cho vay mua ô tô do nhu cầu ảm đạm, theo báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm được công bố vào giữa tháng 7. Tại TMB Thanachart Bank, danh mục cho vay mua ô tô, chiếm 30% tổng dư nợ, đã giảm 4,8% trong năm nay. Tình hình chung của mảng cho vay bán lẻ tại ngân hàng cũng không mấy khả quan, ngoại trừ chương trình "cầm đồ ô tô", nơi khách hàng có thể vay vốn dựa trên giá trị chiếc xe của mình.

Lợi nhuận nửa đầu năm của Krungsri Bank cũng giảm 7,9% so với năm trước do dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao, một phần là do các khoản vay mua ô tô. Ngân hàng cho biết, kết quả này phản ánh sự sụt giảm trong doanh số bán xe, cũng như việc các tổ chức tài chính thắt chặt điều kiện cho vay "trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng mua xe trả góp ngày càng xấu đi".

Tỷ lệ từ chối cho vay ô tô đã tăng lên trên 30%, góp phần làm giảm doanh số bán ô tô. Khoản nợ của hộ gia đình ở Thái Lan lên tới 16.3 nghìn tỷ baht, tương đương 91% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia. 

Các ngân hàng hàng đầu ước tính GDP của Thái Lan sẽ chỉ tăng 2.6% trong năm nay, phù hợp với dự báo của ngân hàng trung ương. Tiêu dùng tư nhân dự kiến sẽ chậm lại khi các khoản trợ cấp của chính phủ giảm dần.

Khi ngành công nghiệp ô tô địa phương đổ lỗi cho các khoản trợ cấp của chính phủ về lượng xe điện dư thừa, ủy ban xe điện quốc gia Thái Lan hôm 26/7 đã phê duyệt các khoản trợ cấp mới cho xe hybrid. 

Các nhà sản xuất linh kiện Thái Lan từ lâu đã cung cấp thành phần cho xe hybrid, loại phương tiện kết hợp giữa pin và động cơ đốt trong, có giá thành rẻ hơn xe thuần điện.

"Trong 5 đến 10 năm tới, doanh số chủ yếu sẽ đến từ HEV (xe hybrid) và BEV (xe điện chạy pin). Các biện pháp hỗ trợ xe hybrid là cần thiết để khuyến khích đầu tư liên tục vào việc sản xuất các linh kiện cho thị trường trong nước," Narit Therdsteerasukdi, tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan cho biết.

Nếu được nội các thông qua, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid sẽ được giảm xuống còn 6% hoặc 9%, tùy thuộc vào lượng khí thải carbon dioxide. Các mức thuế sẽ giữ nguyên từ 2028 đến 2032 đối với các nhà sản xuất ô tô đầu tư 3 tỷ baht vào Thái Lan trong giai đoạn từ 2024 đến 2027.

Không chỉ thị trường Thái Lan, BYD cũng đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ và phương Tây. Theo đó, xe BYD nhập khẩu vào châu Âu phải chịu thêm mức thuế 17,4%, ngoài mức thuế hiện hành là 10%. Xe của BYD cũng phải đối mặt với mức thuế quan lên tới 100% tại Mỹ.

Thu Trang (T/h)