“Mối đe dọa của Google” sẽ được Microsoft đầu tư 10 tỉ USD

15:17 10/01/2023

OpenAI, nhà phát triển đằng sau bot trí tuệ nhân tạo ChatGPT, đang thảo luận để huy động vốn với mức định giá gần 30 tỷ USD, khi các nhà đầu tư mạo hiểm đổ xô kiếm lợi từ công nghệ mới này, bởi tiềm năng phát triển lớn mạnh.

Một thỏa thuận được ký kết sẽ nâng mức định giá của công ty từ khoảng 20 tỷ USD vào năm 2021 lên hơn 30 tỷ USD.

Sự gia tăng mức định giá chóng mặt như vậy sẽ khiến OpenAI trở thành một ngoại lệ ở Thung lũng Silicon khi các công ty công nghệ đang trên đà sụt giảm giá trị và các nhà đầu tư đã rút lui khỏi các giao dịch mới. Trong ba tháng cuối năm 2022, giá trị của các thương vụ mua lại vốn đầu tư mạo hiểm đã giảm xuống còn 763 triệu USD. Đây là lần đầu tiên giá trị này dưới 1 tỷ USD trong hơn một thập kỷ.

ChatGPT là một chatbot do Open AI phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. ChatGPT phát triển nhanh đến nỗi Google đã phải vội vã phát ‘Báo động đỏ’ (‘Code Red’) cho toàn công ty trước dịp lễ Giáng Sinh.

Xuất hiện đầu tháng 12/2022, ChatGPT nhanh chóng thu hút chú ý và được giới công nghệ gọi là "siêu AI" bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản... theo ý người dùng. Trước ChatGPT, một số AI khác GPT-3 và Dall-E 2 tạo ấn tượng và nhận được sự đánh giá cao từ cả người dùng lẫn các chuyên gia.

Các AI kể trên đều là sản phẩm của OpenAI - công ty đã đạt được một số thành tựu lớn trong ba năm gần đây dưới sự điều hành của CEO trẻ tuổi Sam Altman. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Microsoft đang đàm phán để đầu tư 10 tỉ USD vào OpenAI, chủ sở hữu của chatbot ChatGPT, tờ Semafor đưa tin. Đề xuất đang được xem xét kêu gọi Microsoft đặt tiền trong nhiều năm, dù các điều khoản cuối cùng có thể thay đổi, theo những người yêu cầu giấu tên thảo luận về một vấn đề riêng tư. Microsoft và OpenAI đã thảo luận về thỏa thuận này trong nhiều tháng.

Semafor trước đó đã báo cáo rằng khoản đầu tư tiềm năng sẽ liên quan đến các công ty mạo hiểm khác và có thể định giá OpenAI ở mức khoảng 29 tỉ USD, trích dẫn những người quen thuộc với các cuộc đàm phán. Các tài liệu của thỏa thuận đã được gửi đến các nhà đầu tư tiềm năng những tuần gần đây, với mục đích kết thúc vòng gọi vốn vào cuối năm 2022.

Microsoft từ chối bình luận, trong khi OpenAI không trả lời ngay lập tức câu hỏi từ Reuters.

Điều này theo sau một báo cáo của tờ Wall Street Journal cho biết OpenAI đang đàm phán để bán sổ cổ phiếu hiện có với mức định giá khoảng 29 tỉ USD, với các công ty đầu tư mạo hiểm như Thrive Capital và Founders Fund mua cổ phiếu từ các cổ đông hiện tại.

Theo Semafor, các điều khoản cấp vốn gồm cả việc Microsoft nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi thu hồi lại khoản đầu tư ban đầu, sau khi OpenAI tìm ra cách kiếm tiền trên ChatGPT và các sản phẩm khác như công cụ tạo hình ảnh từ văn bản Dall-E.

Khi đạt đến ngưỡng đó, Microsoft sẽ có 49% cổ phần trong OpenAI, với các nhà đầu tư khác chiếm thêm 49% và công ty mẹ phi lợi nhuận của OpenAI nhận được 2%, báo cáo cho biết.

Sự lớn mạnh của AI

OpenAI bắt đầu như một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2015 với sự tài trợ từ Altman khi còn ở Y Combinator. Ông cũng đứng trong hàng ngũ thành lập công ty, cùng với CEO Tesla Elon Musk, nhà đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và nhiều thành viên khác. Công ty đặt trụ sở ở quận Mission, San Francisco, nhanh chóng trở thành một đối trọng về nghiên cứu AI trước các công ty công nghệ lớn khác, như Google.

Thay vì theo đuổi lợi nhuận doanh nghiệp, OpenAI cam kết thúc đẩy công nghệ vì lợi ích của nhân loại. Điều lệ thành lập có điều khoản sẽ từ bỏ cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo nói chung nếu một đối thủ cạnh tranh đạt được một thành tựu cụ thể trước.

Tuy nhiên, chiến lược đó thay đổi kể từ khi Altman nắm quyền điều hành. Ngay sau khi trở thành CEO cuối 2019, ông đã nhận được một tỷ USD tài trợ khi bay đến Seattle trình diễn mô hình AI mới nhất của mình cho CEO Microsoft Satya Nadella.

Thỏa thuận với Microsoft mang lại cho OpenAI nhiều thứ, nhất là tài nguyên cần thiết để đào tạo và cải thiện thuật toán AI - yếu tố chính dẫn đến một loạt đột phá về sau. Ngược lại, thỏa thuận cũng đem lại cho Microsoft chỗ đứng chiến lược trong cuộc chạy đua vũ trang để tận dụng những tiến bộ trong AI, cũng như được tích hợp các AI tiên tiến nhất vào các sản phẩm khác của mình. 

CEO Microsoft Satya Nadella (trái) và CEO OpenAI Sam Altman (phải) tại Microsoft Build 2021
CEO Microsoft Satya Nadella (trái) và CEO OpenAI Sam Altman (phải) tại Microsoft Build 2021.

Kể từ khi Altman điều hành, OpenAI đạt nhiều thành tựu, đặc biệt là trong năm 2022. Giữa năm nay, AI Dall-E 2 cho phép người dùng tạo tác phẩm nghệ thuật chỉ bằng chuỗi văn bản, trong khi ChatGPT gần đây được mô tả là AI siêu thông minh, đa tài, có thể "trả lời mọi thứ như người thật". Một số đã đặt câu hỏi liên quan đến lập trình và khẳng định phản hồi của ChatGPT "hoàn hảo". Nó thậm chí có thể viết kịch bản phim, kết hợp nhiều diễn viên từ những loạt phim khác nhau. Nhưng ChatGPT cũng xây dựng những bài luận học thuật cơ bản, đặt ra thách thức cho các học viện và trường đại học trong tương lai.

Cách tiếp cận mới của Altman giúp những nhà đầu tư ban đầu vào OpenAI nhận lợi nhuận gấp 100 lần so với khoản đóng góp ban đầu, nhưng khiến tôn chỉ phi lợi nhuận bị phá vỡ. CEO này đang đối mặt với những hoài nghi khi bị cho là đi ngược với mục đích làm cho nghiên cứu trở nên minh bạch và tránh làm giàu cho các cổ đông.

OpenAI đang đàm phán về việc bán cổ phiếu thuộc sở hữu của nhân viên. Trong một đề nghị đấu thầu trước đó, OpenAI được định giá khoảng 14 tỷ USD, theo WSJ.

Altman gần đây cũng không giấu ý định kinh doanh đối với OpenAI, thậm chí khẳng định đang sớm định hình chiến lược kiếm tiền từ những gì đã nghiên cứu được. Theo một số nguồn tin nội bộ, đến nay OpenAI đã tạo ra doanh thu hàng chục triệu USD, chủ yếu từ việc bán các đoạn code cho các nhà phát triển khác. Nguồn tin này cũng nói Altman kỳ vọng công ty sẽ sớm đạt doanh thu hàng năm lên tới một tỷ USD, chủ yếu từ việc tính phí người tiêu dùng và doanh nghiệp.

D.A (T/h)