Một huyện nghèo của tỉnh Phú Thọ quyết liệt thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính

17:48 05/05/2021

Mặc dù là một huyện miền núi, song thời gian qua, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) liên tục là địa phương dẫn đầu trong tỉnh về tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Bằng các giải pháp quyết liệt và cách làm mới, Tân Sơn đã và đang từng bước nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử đồng bộ, thực chất.

 

Trung tâm hành chính công của huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ.
Trung tâm hành chính công của huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ.

Trong 2 năm (2020 - 2021), Tân Sơn chỉ đạo UBND xã Tân Phú và xã Kiệt Sơn xây dựng mô hình điểm về tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại làm cơ sở nhân rộng sang các xã lân cận. Hiện nay, 111 TTHC thuộc thẩm quyền UBND huyện được cung cấp dịch vụ công ở mức độ 3; 53 TTHC được cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4; riêng cấp xã có 89 TTHC được thực hiện ở mức độ 3, 4.

Đồng chí Nguyễn Tiến Như Khoa - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện cho biết: Là huyện miền núi với trên 83% là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân còn khó khăn trong tiếp cận với internet và thiếu kĩ năng thao tác trên các thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính. Do vậy, cùng với tuyên truyền hướng dẫn trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động, cấp phát tài liệu hướng dẫn sử dụng DVCTT, chúng tôi lựa chọn một số thủ tục dễ thực hiện, phát sinh nhiều hồ sơ để trực tiếp hướng dẫn người dân tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến.

Trong quý I/2021, huyện đã tiếp nhận 2.685 hồ sơ trực tuyến/8.374 tổng số hồ sơ, chiếm 32,06% - là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Phú Thọ về số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4.

Đến Bộ phận Một cửa hiện đại tại UBND huyện Tân Sơn những ngày này đều bắt gặp hình ảnh cán bộ công chức (CBCC) hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Người thì hỗ trợ công dân lấy số, hướng dẫn lên các quầy của bộ phận chuyên môn; người thì giới thiệu về DVCTT mức độ 3, 4, hướng dẫn lập tài khoản công dân điện tử và các bước thực hiện DVCTT…

Tại UBND xã Kiệt Sơn, trước đây để triển khai văn bản chỉ đạo cấp trên và giải quyết TTHC cho người dân, cán bộ văn thư mất nhiều thời gian in ấn, photo tài liệu để chuyển đến đầu mối các bộ phận. Từ khi triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành gắn với ký số đến nay, những công đoạn đó đã được giảm tải rõ rệt. 

Công dân xã Tân Phú, huyện Tân Sơn tra cứu danh mục dịch vụ công trực tuyến.
Công dân xã Tân Phú, huyện Tân Sơn tra cứu danh mục dịch vụ công trực tuyến.

Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn Hà Đức Thuận cho biết: Là xã còn nhiều khó khăn nên chúng tôi xác định phải quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, vừa nâng cao hiệu quả điều hành, vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Hằng năm, xã đều cố gắng tiết kiệm một phần từ chi ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất Bộ phận Một cửa và trang thiết bị CNTT cho các bộ phận. Đến nay, 100% cán bộ, công chức đều thao tác thành thạo, xử lý công việc trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Tân Sơn là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Phú Thọ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn, trong đó đề cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị thuộc UBND huyện và từng CBCC.

Chủ tịch UBND huyện Tạ Ngọc Yến cho biết: Để vận hành đồng bộ chính quyền điện tử từ cấp huyện đến cấp xã điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, lề lối làm việc. Từ việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số đến quản lý, điều hành công việc trên môi trường mạng; tăng cường sử dụng DVCTT… đều được UBND huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đánh giá xếp loại các cơ quan, đơn vị hằng năm.

Điểm mới trong cách làm của huyện Tân Sơn đó là UBND huyện đã thành lập Tổ công tác gồm 5 - 7 thành viên do đồng chí Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND làm trưởng bộ phận trực tiếp xuống các xã hướng dẫn cho cán bộ tại Bộ phận Một cửa tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp trên hệ thống Cổng DVCTT và Một cửa điện tử của tỉnh.

Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo các xã trên địa bàn kiện toàn Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cấp xã, trong đó yêu cầu đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng bộ phận. "Việc kiện toàn này giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm, kịp thời khắc phục, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân trên môi trường mạng", Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Nguyễn Tiến Như Khoa khẳng định.

Xác định để khai thác hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh, công tác đào tạo, tập huấn giữ vai trò hết sức quan trọng. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp nhận, xử lý TTHC trên hệ thống Cổng DVCTT, sử dụng chữ ký số, chứng thư số trên thiết bị di động (ký SIM), hệ thống quản lý văn bản và điều hành, DVCTT cho lãnh đạo, cán bộ cấp xã - lực lượng nòng cốt làm công tác triển khai ứng dụng CNTT tại cơ sở.

Chủ tịch UBND xã Kiệt Sơn khẳng định: Việc tập huấn được thực hiện theo phương pháp hướng dẫn, thao tác trực tiếp với từng trường hợp cụ thể. Qua đó đã giải đáp các khó khăn, vướng mắc khi tiếp nhận TTHC trên môi trường mạng cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Cùng với công tác đào tạo, tập huấn, UBND huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra của UBND huyện do đồng chí Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại các xã Lai Đồng, Thạch Kiệt, Tam Thanh, Vinh Tiền. Qua kiểm tra, đã kịp thời chấn chỉnh hoạt động tại Bộ phận Một cửa, việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số tại cơ sở.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Tân Sơn đã và đang từng bước khẳng định sự tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử. Năm 2021, UBND huyện tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT; triển khai cấp bổ sung máy tính, trang thiết bị cần thiết phục vụ xây dựng chính quyền điện tử cho 100% các xã trên địa bàn để đảm bảo vận hành, kết nối các phần mềm dùng chung của tỉnh.

PV