Ngành da giày Việt Nam phục hồi tốt sau đại dịch

07:50 16/02/2022

Ở Việt Nam, dệt may và da giày là những nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Sản xuất của doanh nghiệp ngành da giày, nhất là doanh nghiệp khu vực phía Nam đang phục hồi tốt, đơn hàng xuất khẩu dồi dào ngay từ đầu năm.

Theo Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam: Hiện đơn hàng ít nhất đã có đến hết quý II/2022, 80% lao động đã quay trở lại làm việc. Điều này đã giúp sản xuất của doanh nghiệp trôi chảy, xuất khẩu tháng đầu tiên của năm 2022 đạt 95% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay từ cuối năm 2021, các chuyên gia đã đánh giá cao khả năng khởi sắc của một số ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, trong đó có da giày. Đặc biệt khi một số thương hiệu trang phục thể thao lớn, có khả năng chi phối thị trường quan tâm tới Việt Nam. “ADIDAS, NIKE sẵn sàng gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam, nếu như doanh nghiệp trong nước có khả năng đáp ứng”, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, cho hay.

Riêng với NIKE, lãnh đạo Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, thông tin thêm: Trong 3 nước gia công chủ yếu cho NIKE gồm Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia thì Việt Nam đang là trọng tâm với trên 50% sản lượng. Nếu còn dư địa thì thương hiệu này vẫn mong muốn tăng thêm sản lượng và đơn hàng ở Việt Nam. 

Trong quý II/2022, 80% lao động đã quay trở lại làm việc
Trong quý II/2022, 80% lao động đã quay trở lại làm việc. (Ảnh: PV)

Việc gia công cho NIKE cũng giúp Việt Nam xuất khẩu một lượng lớn giày, dép sang Mỹ. Bình quân mỗi năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 1,8 tỉ đôi giày, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 300 triệu đôi, chủ yếu là các sản phẩm giày thể thao thông qua các thương hiệu lớn. Năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu sản phẩm da giày của Việt Nam vào Mỹ chỉ giảm trong tháng 8,9 sang đến tháng 10 đã bật tăng trở lại. Xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 30% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành. Năm 2022, với đà phục hồi tiêu dùng tốt, Mỹ vẫn được kỳ vọng là thị trường trọng điểm và lớn nhất của da giày Việt Nam.

Việc các thương hiệu lớn vẫn chọn Việt Nam là điểm đến sản xuất có nhiều nguyên do, trong đó hấp dẫn nhất là giá lao động cạnh tranh, dịch bệnh được kiểm soát tốt với tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao. Cùng đó là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài rất mở, chính trị ổn định… Dù vậy, việc tận dụng cơ hội từ các thương hiệu lớn để gia tăng xuất khẩu là việc không dễ dàng. Các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững đang là thách thức lớn với doanh nghiệp trong nước.

Mặt khác, những năm gần đây, tỷ lệ nội địa hoá của ngành da giày Việt Nam đã tăng lên, tuy nhiên để tham gia được vào phân khúc cao hơn gia công của các thương hiệu lớn thì chưa làm được. Chưa kể, doanh nghiệp trong ngành mới chủ động được nguyên liệu cho các sản phẩm tầm trung, sản phẩm cao cấp vẫn phải nhập khẩu. Đây là lý do khiến da giày Việt Nam tuy xuất khẩu với số lượng lớn nhưng giá trị gia tăng không cao, vẫn chủ yếu “lấy công làm lãi”.

Năm 2022, giá đơn hàng được dự báo không tăng, trong khi mọi chí phí đầu vào, chi phí logistcs vẫn tăng cao từ năm ngoái và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù, nhà nhập khẩu đồng ý chia sẻ chi phí, nhưng với giá đơn hàng không tăng, chi phí cao, lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ là ít ỏi.

Dù sao ở thời điểm hiện tại, tốc độ khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp da giày được đánh giá tốt là điều đáng mừng. Doanh nghiệp trong nước mong mỏi Chính phủ và các bộ, ngành sớm hướng dẫn thực hiện gói phục hồi và phát triển kinh tế được ban hành theo Nghị quyết số 43/NQ-QH15 nhằm có thêm trợ lực.

Bên cạnh đó, với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp da giày trong nước, lãnh đạo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, cũng đề nghị: Các bộ, ngành sớm phối hợp tìm giải pháp hạ nhiệt chi phí logistics. Bởi các nhà nhập khẩu có xu hướng chuyển đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ hơn vừa để hạn chế chi phí, vừa tránh rủi ro đứt gẫy chuỗi cung ứng do logistics như đã từng xảy ra.

Ngoài ra, để giữ chân các ông lớn ngành trang phục thể thao tại Việt Nam, cũng đồng thời duy trì vị thế đã xây dựng được cho ngành da giày, lãnh đạo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho rằng: Hệ thống sản xuất của ngành da giày tập trung nhiều ở khu vực phía Nam, khu vực phía Bắc có Hải Phòng, Hải Dương dư địa không còn nên cần phải có chiến lược phát triển ở vùng phù hợp. Có thể dịch chuyển sản xuất về khu vực miền Trung và các tỉnh Trung du là những nơi có lợi thế về lao động.

Cũng cần nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics những ngành hàng xuất khẩu như da giày rất cần vị trí như cảng biển, hệ thống đường bộ tốt để lưu thông, có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Thêm nữa, cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu, thu hút thuế, tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp với các chính sách tốt như chính sách thu hút FDI. Rà soát những chính sách bất cập hạn chế, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hệ thống hải quan để thúc đẩy xuất khẩu tốt hơn. Đầu tư phát triển thiết kế mẫu mã, nguyên liệu mới.

Xu hướng toàn cầu hiện hướng đến phát triển xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sản xuất sạch. Do vậy, trong chuỗi sản xuất doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để giảm thải khí Co2.

Mai Anh