Nhập khẩu đậu nành tăng mạnh, doanh nghiệp được "ưu ái"

15:44 09/03/2021

Lượng nhập khẩu đậu nành từ các thị trường lớn như Mỹ, Canada ngày càng tăng mạnh do nhu cầu lớn nhưng thị trường trong nước không đủ cung cấp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Đậu nành là một sản phẩm nông sản được trồng và sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam nhưng nguồn nguyên liệu trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài như Mỹ, Canada,... Thực tế đậu nành được coi là một trong những cây trồng chính ở Việt Nam, chỉ xếp sau lúa, ngô vì là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến thức ăn gia súc và cung cấp nguồn đạm thực vật cho người. Tuy nhiên, hiện nay năng suất đậu tương của Việt Nam còn thấp. 

Do cung không đủ cầu nên lượng nhập khẩu loại nguyên liệu này không ngừng tăng. Cụ thể theo Tổng cục Hải quan, tháng 1/2021, nhập khẩu đậu nành vào Việt Nam đạt trên 143.000 tấn, trị giá 73,66 triệu USD, tăng 60,5% về lượng và 98,5% về kim ngạch so với tháng 1/2020. Tính cả nửa đầu tháng 2, lượng đậu nành nhập khẩu về Việt Nam đã đạt trên 247.000 tấn, trị giá 127 triệu USD.

Nhập khẩu đậu nành không ngừng tăng
Nhập khẩu đậu nành không ngừng tăng.

Mỹ đang thị trường chủ yếu cung cấp đậu nành cho Việt Nam trong tháng 1 với trên 133.000 tấn, trị giá 68,19 triệu USD, chiếm 93% trong tổng lượng và tổng kim ngạch đậu nành nhập khẩu của cả nước. Đứng sau Mỹ là Canada với 7.865 tấn, tương đương 4,39 triệu USD.

Mỹ cũng là nước cung cấp đậu nành lớn nhất cho Việt Nam trong năm 2020 với 932.000 tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 23,13% về lượng và 30% về trị giá so với năm 2019. Đứng thứ 2 là Brazil với 737.000 tấn, trị giá 287 triệu USD. Thứ 3 là Canada với 110.000 tấn, trị giá 50 triệu USD.

Theo quy định, nếu hạt đậu nành nhập khẩu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Như vậy, Thủ tục nhập khẩu đậu nành chỉ có đăng ký kiểm dịch thực vật thôi, rồi mở tờ khai là xong. 

Trường hợp nhập khẩu đậu nành dùng vào mục đích khác khiến doanh nghiệp bị vướng mắc, Tổng cục Hải quan đã tháo gỡ cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật (bao gồm đậu nành) được định danh cụ thể tại Danh mục dược liệu ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018.

Theo đó, Tổng cục Hải quan gửi công văn đề nghị Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp cho Tổng cục Hải quan Danh mục hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhưng chủ yếu dùng làm thực phẩm để áp dụng chính sách nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Trong thời gian chờ đợi, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp trên cơ sở nội dung khai của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Linh An