Những bài học kinh nghiệm từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội

10:30 28/05/2024

Nghị quyết 43 trở thành điểm tựa quan trọng, đưa kinh tế nước ta phục hồi tích cực 2 năm qua. Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất sau khi triển khai NQ đó là nâng cao năng lực đề xuất, ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi

Ảnh minh họa
Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể

Trong Báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43, Đoàn giám sát của Quốc hội khẳng định rằng “nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong nghị quyết này cơ bản hoàn thành”. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% – dù không đạt mục tiêu Quốc hội giao nhưng vẫn cao so với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và giảm lãi suất cho vay đã góp phần hỗ trợ dòng tiền, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đạt 44.458 tỉ đồng, tương đương 90% dự kiến; lãi suất cho vay giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2022. Ngân sách trung ương hỗ trợ 59/60 địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt người lao động với tổng kinh phí 3.679,3 tỉ đồng, đạt 56% dự kiến. Đến cuối năm 2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân cho vay các chương trình tín dụng đạt 38.400 tỉ đồng cho hơn 615.600 lượt khách hàng, đạt 100% tổng quy mô chính sách.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết 43. Đáng chú ý là công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện và giải ngân vốn theo yêu cầu của Nghị quyết 43. Danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến ban đầu. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư và phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của chương trình.

Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn cho nhiều dự án đầu tư không đảm bảo thời hạn quy định trong hai năm 2022-2023, đặc biệt là các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế và công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm. Vì vậy, Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình.

Một số chính sách được người dân, nhất là công nhân lao động và cộng đồng doanh nghiệp, quan tâm và chờ đợi lại có kết quả rất khiêm tốn. Ví dụ, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng chỉ đạt 56%, phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác. Chính sách sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích chưa thực hiện giải ngân như dự kiến. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dù đã được tăng vốn điều lệ nhưng cũng chưa được sử dụng hiệu quả.

Việc không triển khai đúng hạn và đầy đủ các dự án và gói ưu đãi của Chương trình khiến các giải pháp chính sách không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Hơn nữa, vào thời điểm ban hành Nghị quyết 43, điều kiện của đất nước hết sức khó khăn, nhưng Chính phủ và Quốc hội đã cố gắng cân đối và dành nguồn lực cho Chương trình. Tuy nhiên, việc chưa sử dụng hết và chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực này có thể được xem là một sự lãng phí.

Trong số những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện Nghị quyết 43 chưa đạt kết quả mong đợi, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra rằng yếu tố con người, hay nguyên nhân chủ quan, chiếm phần đáng kể. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong thực thi công vụ đã dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách.

Đặc biệt, hạn chế trong năng lực đề xuất và ban hành chính sách đã dẫn đến việc một số chính sách chưa sát thực tế. Ví dụ, các dự án đầu tư phát triển bị chậm tiến độ một phần do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đăng ký các dự án chưa có trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 (255/264 dự án). Hoặc, Nghị quyết 43 đầu tư 14.000 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, và trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc dự kiến đầu tư các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng không bám sát thực tiễn. Thực tế, trong các dự án lĩnh vực y tế được duyệt, không có dự án nào dành cho trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng như nội dung chính sách đầu tư phát triển về y tế được nêu tại Nghị quyết 43. Hiện nay cũng chưa có quyết định thành lập và chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng nên chưa thể thực hiện đầu tư và đăng ký vào danh mục của chương trình.

Đến nay, hầu hết các chính sách theo Nghị quyết 43 đã kết thúc, chỉ còn chính sách về đầu tư phát triển được Quốc hội cho phép kéo dài đến 31-12-2024 và chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đến 30-6-2024. Việc giám sát thực hiện Nghị quyết 43 tại thời điểm này không chỉ đánh giá kết quả, làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, mà còn phải rút ra bài học kinh nghiệm về việc ban hành chính sách trong tình huống bất thường, khó khăn, thách thức của đất nước. Nâng cao năng lực đề xuất và ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi là một trong những bài học quan trọng nhất.

Đây là điều các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận tại hội trường về Báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 vào ngày 25-5-2024:

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh rằng thời điểm ban hành Nghị quyết 43 đã chậm một nhịp so với thế giới, khi nhiều quốc gia bắt đầu thu hồi các gói phục hồi kinh tế.

"Trong điều hành kinh tế vĩ mô, chúng ta dường như luôn chậm một bước. Khi chúng ta tiếp tục chính sách tài khóa mở rộng, quốc tế đã chuyển hướng sang chính sách tài khóa thắt chặt," đại biểu Hạ nêu vấn đề. Ông cho rằng để chính sách của Việt Nam hiệu quả hơn, cần đặt mình vào bối cảnh chung của thế giới. Để giải quyết tình trạng chậm ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách, đại biểu đề xuất cần có giải pháp về thủ tục rút gọn trong các điều kiện đặc biệt.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, cũng cho rằng nhiều ngành, lĩnh vực đáng lẽ có cơ hội phục hồi tốt hơn nếu chính sách hỗ trợ được cập nhật kịp thời.

Ông đưa ra ví dụ như chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%, nhưng lại cứng nhắc phụ thuộc vào Quốc hội và Nghị quyết 43. Hay như khi mới bắt đầu hết giãn cách và khôi phục các đường bay, việc giảm VAT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác có thể giúp ngành hàng không và các ngành khác phục hồi và phát triển kinh tế nhanh hơn.

Theo đại biểu, khi cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc giảm thuế ở mức lớn hơn và tập trung vào một số ngành cụ thể. Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị kéo dài thêm vài tháng sang năm 2025, bởi đây là thời điểm “giáp hạt” đối với doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là phải tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm thích hợp. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm; một chính sách đúng vào tháng Một nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng Ba khi diễn biến lạm phát và tăng trưởng đã khác.

Trong tương lai, khi xây dựng các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô, chúng ta phải cân nhắc rất kỹ yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống. Như Nghị quyết 43 cho thời hạn thực hiện hai năm, trong thời gian đó rất nhiều thứ đã thay đổi, và khủng hoảng kinh tế do COVID-19 khác biệt rất nhiều so với các khủng hoảng khác.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn chỉ ra rằng: "Ở một số nước, người ta hỗ trợ ngay bằng tiền mặt, thẳng cho người dân, mỗi người dân được 1.500 USD hoặc 2.000 USD, cứ thế phát, đưa ngay vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng và đẩy ngay vào nền kinh tế. Chúng ta lại tiếp cận qua các chính sách, mà các chính sách thì lại phải có các văn bản hướng dẫn, rồi phải giám sát, quy trình… thì hết giờ và không còn tính hiệu quả, không còn thời sự.”

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nếu vẫn giữ thời gian của chương trình thì không nên đưa các dự án lớn vào. Nếu đã đưa vào, phải cho kéo dài thời gian thực hiện, nếu không thì hết giờ cũng chưa xong thủ tục.

"Có rất nhiều đại biểu nói, tôi rất thấm thía. Đã là đặc biệt thì phải có chính sách đặc biệt, thủ tục đặc biệt và quy trình đặc biệt. Chúng ta cứ làm thông thường thì hết giờ, việc gì cũng phải xin cơ chế," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ. Ông khẳng định, việc xây dựng chính sách pháp luật phải dựa trên niềm tin giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp dưới và cấp trên.

Các chính sách ban hành ra phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, dễ giám sát và dễ thực hiện, đây là nguyên tắc rất quan trọng. Việc hoàn thiện thể chế phải căn cơ, đồng bộ và thống nhất, không để tồn tại nhiều vướng mắc như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng đánh giá kết quả tổng thể của Nghị quyết 43 vẫn “đạt được yêu cầu”. Điển hình như kinh tế vẫn ổn định, kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, lạm phát vẫn kiểm soát được, các cân đối lớn vẫn đảm bảo.

Tuy nhiên, đây cũng chính là “bài học kinh nghiệm hết sức quý” để khi gặp các tình huống tương tự, chúng ta có thể phản ứng chính sách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Bình Anh t/h