Những câu hỏi ngành điện phải trả lời. Bài VI: Nắng nóng gay gắt và câu chuyện về sự lúng túng của ngành điện

05:00 20/06/2023

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) xác nhận El Nino bắt đầu từ tháng 6, sẽ hạn hán khốc liệt. Việt Nam thủy điện chiếm gần 30% nguồn cung điện, nguy cơ thiếu điện rất cao, buộc ngành điện phải giải quyết bài toán thiếu điện.

Điện than vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng sản lượng điện toàn hệ thống.
Điện than vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng sản lượng điện toàn hệ thống..

Ngày 15-6, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Với ngành điện, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII…, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương trong tháng 6.

Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở; cơ chế mua bán điện trực tiếp (hoàn thành trong tháng 7).

Chính phủ giao các cơ quan chức năng cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6.

Những chỉ đạo rất sát thực tế của Chính phủ cũng cho thấy những tồn tại của ngành điện Việt Nam, mà nếu không giải quyết kịp thời, dự báo là sẽ còn tiếp tục thiếu điện gay gắt trong những năm tới, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) có chức năng đảm bảo vận hành hệ thống điện - Ảnh: EVN
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) có chức năng đảm bảo vận hành hệ thống điện - Ảnh: EVN.

Điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương, cho thấy điều gì?

Thực tế, giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6 là không khó khi mùa mưa đang đến với miền Bắc và Đông Nam bộ, các hồ thủy điện dần dần sẽ có nước trong cuối tháng này; các nhà máy nhiệt điện đã và đang khắc phục các sự cố để hoạt động bình thường. Vấn đề là đảm bảo điện cho những năm sau mới là khó, trong đó đặc biệt việc trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Động thái của Chính phủ quyết định điều chuyển A0 về Bộ Công Thương ngay trong tháng 6. EVN cũng vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc A0 để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành (không phải bị kỷ luật).

Tất cả cho thấy điều gì?

A0 có các đơn vị thành viên là các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam. A0 được ví như trái tim của hệ thống điện quốc gia, có nhiệm vụ vận hành hệ thống điện; huy động sản lượng các nguồn điện hợp lý, giảm tối đa sự cố điện, điều hành thị trường điện cạnh tranh công bằng, minh bạch, bảo đảm cấp điện liên tục, an toàn và chất lượng.

Căn cứ vào chức năng này, cho thấy trong thời gian qua việc huy động các nguồn điện, đặc biệt là điện tái tạo có vấn đề, chưa tạo nên một thị trường điện cạnh tranh. Theo các chuyên gia, nếu A0 trực thuộc Bộ Công Thương thì tính khách quan đương nhiên cao hơn khi ở EVN. Việc điều độ, phân bổ, huy động các nguồn điện sẽ hoàn toàn độc lập với hoạt động của EVN. 

Khi A0 về Bộ Công thương, các nhà máy điện của EVN sẽ giống như tất cả các đơn vị phát điện khác của tư nhân. Bộ Công Thương khi đó sẽ đảm đương trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện cho quốc gia, thay vì EVN, bởi hiện nay EVN và các tổng công ty phát điện (Genco) chỉ nắm trong tay chưa đến 40% nguồn điện, sao lại độc quyền mua bán điện?

Thực ra, từ năm 2017, A0 đã được Thủ tướng yêu cầu tách khỏi EVN và chuyển về Bộ Công Thương quản lý, nhưng cho đến nay mới thực hiện yêu cầu này.

Chính vì sự vận hành chưa “trơn tru” của A0, nên hàng loạt dự án điện tái tạo vừa qua đã hoàn thành, đưa lên lưới điện quốc gia rất khó khăn, triệt tiêu sự cạnh tranh.

EVN, A0 trong những năm qua chưa hình thành được hệ thống điện cạnh tranh. Trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII Điều chỉnh), ban hành ngày 18-3-2016, Chính phủ đã có yêu cầu rất rõ ràng: “Phát triển thị trường điện lực cạnh tranh theo đúng lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia”.

Tuy nhiên hiện nay, EVN vẫn là người mua duy nhất trên thị trường điện. Cho đến nay khách hàng tiêu thụ cuối cùng vẫn chưa được quyền tham gia thị trường bán lẻ mua điện cạnh tranh (VREM). Có nghĩa là khách hàng tiêu thụ cuối cùng buộc phải mua điện của EVN. Nếu cơ chế VREM được chấp thuận, các khách hàng lớn sẽ không cần phải mua lại điện từ EVN như hiện nay. Họ có thể mua điện với nhiều mức giá khác nhau trong ngày, ví dụ buổi tối giá rẻ họ có thể mua nhiều, còn buổi trưa giá cao họ có thể mua ít lại, góp phần giảm chi phí đầu tư cho sản xuất.

Đó chỉ là một số hạn chế của A0, hay nói thẳng ra là từ EVN - đơn vị quản lý, điều hành A0.

Truyền tải quá tải

Việt Nam hiện có hệ thống truyền tải 220kV, 500kV và lưới điện 110 kV quy mô nhưng chưa hiện đại, toàn bộ do EVN quản lý. Trong đó, lưới điện truyền tải Bắc - Nam gồm 2 đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, nhưng mạch 3 mới đầu tư từ phía Nam ra đến Vũng Áng (Hà Tĩnh) và chưa có đường truyền tải ra ngoài Bắc.

Vì vậy, trong đợt thiếu điện vừa qua, giả sử 85 dự án năng lượng tái tạo - tập trung chủ yếu ở Nam Trung bộ và miền Nam được EVN mua hết thì cũng không thể đưa ra miền Bắc để giải cơn khát điện, vì mạch 3 chưa có. Chính vì vậy, trong chỉ đạo của Chính phủ mới nhất đã yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.

Trong Quy hoạch điện VIII vừa được Chính phủ phê duyệt cũng đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên và khép kín mạch vòng, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030.

Trước tình thế thiếu điện cấp bách hiện nay, EVN đã giao Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ngay dự án này.

Lãnh đạo EVN cho biết, nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000 - 1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc, song cũng dự báo rằng việc hoàn thành hệ thống truyền tải mạch 3 sẽ gặp nhiều khó khăn và cần thời gian.

Các chuyên gia cho biết việc đầu tư lưới điện truyền tải phải mất 2-3 năm (lưới điện 220kV) và 5 năm (lưới điện 500 kV). Hệ thống truyền tải mạch 3 cũng cần thời gian tương ứng, thì kỳ vọng nguồn năng nượng tái tạo ở miền Nam chi viện cho miền Bắc còn khá lâu.

Đây là vấn đề khập khiễng, lỗ hổng, hay nói cách khác là khả năng dự báo kém trong Quy hoạch điện VII được lập cách đây hơn 10 năm, sau đó có bổ sung điều chỉnh (2016), đã yêu cầu nâng cấp các đường truyền tải.

Theo các chuyên gia kỹ thuật điện, điện tái tạo, nhất là điện mặt trời gây khó khăn cho công tác đường dây và điều độ điện. Hiện nay hạ tầng lưới điện của nước ta chưa phát triển, dẫn đến hạn chế, khiến không thể phát triển tối đa kinh tế năng lượng tái tạo.

Với sự phát triển nhanh về năng lượng tái tạo, cùng với Quy hoạch điện VIII, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%, thì Việt Nam cần có những dự án lưới điện thông minh thay cho lưới điện truyền thống, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng thông minh, hoàn chỉnh.

Dự án "Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng" (SGREEE) do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức thực hiện từ 2017 (kết thúc vào năm 2022), tạo nên nền tảng cho chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Dự án tập trung vào việc tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện - bước quan trọng đầu tiên hướng tới quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Kết quả của dự án này vẫn chưa tạo bước chuyển biến trong dịch chuyển năng lượng ở nước ta.

Với các cam kết mạnh mẽ của chính phủ tại COP26, đạt Net zero vào năm 2050, Việt Nam cần nâng cấp lưới điện truyền thống trở thành lưới điện thông minh.

Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức để tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực điều tiết lưới điện hiện đại.

Điều này Bộ Công thương và EVN vẫn chưa làm được, chỉ mới là những bước đi ban đầu, vì vậy việc lúng túng đưa các dự án điện tái tạo lên lưới điện quốc gia như vừa qua, là điều dễ hiểu, trong khi vẫn phê duyệt rất nhiều dự án điện tái tạo! 

Cần có chính sách mạnh để khuyến khích điện mặt trời áp mái

Ngày 13-6-2023, Bộ Công Thương vừa có dự thảo số 74/BC-BCT “Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam”.

Theo Bộ Công thương, cơ chế khuyến khích này là thực hiện Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023 “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng về phương án phát triển nguồn điện. Theo đó ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái nhà công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Điện mặt trời mái nhà không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn giúp chống nóng cho công trình và góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: TTXVN
Điện mặt trời mái nhà không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế mà còn giúp chống nóng cho công trình và góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: TTXVN.

Theo tờ trình, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện. Tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống này sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

Do thời gian rất gấp, Bộ Công Thương sẽ có các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các chính sách ưu đãi cụ thể.

Về vấn đề này, ngày 6-6-2023, Tạp chí Doanh Nghiệp Hội Nhập cũng đã có bài viết “Tại sao Việt Nam có tiềm năng nguồn điện rất lớn, lại đang thiếu điện gay gắt?”, trong đó đề xuất nên có cơ chế khuyến khích người dân, công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời tự tiêu thụ. Đề xuất này phù hợp với Quy hoạch điện VIII: “Có chính sách ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu”.

Chúng ta đang đi rất chậm trong việc khuyến khích năng lượng mặt trời áp mái. Đặc biệt sau khi EVN thông báo việc dừng đầu nối và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà sau ngày 31-12-2020, điện áp mái gần như dậm chân tại chỗ.

Kinh nghiệm của Mỹ, châu Âu về điện áp mái tự tiêu thụ rất đáng để chúng ta học tập. Vì sao giá điện một số nước ở châu Âu có mạng lưới điện mặt trời áp mái tự tiêu thụ xuống giá âm trên thị trường bán buôn ở một số thời điểm ban ngày như vừa qua? Vì đơn giản nguồn cung điện trên thị trường dư thừa nhờ điện mặt trời áp mái, điện gió.

Kinh nghiệm của Hà Lan chẳng hạn, điện mặt trời áp mái phát triển rất nhanh là nhờ sự hỗ trợ lâu dài của Chính phủ, bằng chương trình thưởng cho các hộ gia đình lắp đặt các tấm pin mặt trời tự tiêu thụ, không phát lên lưới quốc gia và khấu trừ vào hóa đơn tiền điện với sản lượng mà nhà đó sản xuất, không ràng buộc về thời điểm gia đình dùng điện. Có nghĩa là nếu hộ gia đình có lắp điện mặt trời mái nhà, hoàn toàn có thể sử dụng điện ở thời điểm ban đêm không có nắng vẫn được chính phủ trả hóa đơn tiền điện.

Nếu Việt Nam có những chính sách khuyến khích tương tự, chỉ trong vài năm, điện mặt trời áp mái tiêu thụ sẽ phát triển rất nhanh, giảm ngay áp lực lưới điện, mà còn góp phần rất lớn cho mục tiêu Net zero vào năm 2050.

Nhưng vì sao không cho doanh nghiệp làm điện áp mái nhà xưởng?

Trong dự thảo số 74/BC-BCT của Bộ Công thương chỉ có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của DN mà không khuyến khích các DN làm điện áp mái nhà xưởng.

Chi tiết quan trọng này làm các DN có nhà xưởng thắc mắc, trong khi họ có nhu cầu rất cao, đặc biệt khi mà châu Âu yêu cầu “chứng chỉ xanh”, do vậy việc đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo là bắt buộc.

Giải thích về thắc mắc của các DN, Bộ Công Thương cho hay các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà được xây dựng theo lộ trình, bám sát vào Quyết định 500 về quy hoạch điện quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt, nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.

Với cơ chế lắp đặt hệ thống điện áp mái cho nhà xưởng, các nhà máy cần có thời gian để Bộ Công thương nghiên cứu chính sách, kiểm soát công suất cho phù hợp với hệ thống, tránh phát triển ồ ạt.

Vấn đề căn bản là nếu cho phép các DN lắp đặt điện áp mái nhà xưởng ngay từ bây giờ thì sẽ ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, với hệ thống thống điện mái nhà tự tiêu thụ, nếu không đảm bảo công suất phụ tải thì phải có nguồn bù vào, ngành điện sẽ phải có nguồn dự trữ sẵn sàng để bù đắp. Tức là phải có kế hoạch vận hành, tính toán được nguồn dự phòng bù đắp. Việc khuyến khích nhưng cũng phải phù hợp với công nghệ và kỹ thuật để đảm bảo nguồn điện và an toàn cho hệ thống.

Đây là vướng mắc trong vận hành hệ thống, làm chậm tiến độ xanh hóa nguồn điện, mà Bộ Công thương cần phải khắc phục ngay, để tránh lãng phí. Điều này lại đòi hỏi hàng loạt vấn đề khác liên quan đến việc đảm bảo phụ tải, truyền tải. Nếu không khắc phục được điểm yếu này, sẽ ảnh hưởng đến đầu tư. Ví dụ Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã khởi công xây dựng nhà máy trong Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 hồi tháng 11-2022, tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO, khi nguồn điện sử dụng cho hoạt động nhà máy là năng lượng tái tạo. Và nếu nhiều nhà máy tuần hoàn như vậy được đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới, thì ngành điện Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào về việc vận hành hệ thống điện an toàn?

Do vậy, nếu ngành điện Việt Nam không sớm hiện đại hóa, đặc biệt trong các vấn đề liên quan để chuyển đổi năng lượng sạch, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, chớ không chỉ đơn thuần là việc thiếu điện trong mùa nắng nóng.

Lưu Vĩnh Hy