Những khó khăn trước mắt mà Apple phải đối mặt trong năm 2023

09:58 29/12/2022

Nhiều chuyên gia chuỗi cung ứng đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gián đoạn sản xuất iPhone, vốn đã kéo dài hàng tháng qua, nay lại càng tăng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tình hình kinh doanh của Apple sẽ khó lòng khôi phục ngay trong những tháng đầu năm 2023, dù Trung Quốc sẽ mở cửa vào tháng 1 tới. Hoạt động kinh doanh của Apple đang bị đe dọa từ sự bùng phát COVID-19 lan rộng ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia chuỗi cung ứng đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gián đoạn sản xuất iPhone, vốn đã kéo dài hàng tháng qua, nay lại càng tăng.

Nguy cơ gián đoạn sản xuất trước làn sóng dịch COVID-19 mới ở Trung Quốc

Apple đã phải đối mặt với hơn một tháng hỗn loạn tại siêu nhà máy Foxconn Trịnh Châu, Trung Quốc - nơi được gọi là thành phố iPhone, sau đợt bùng phát COVID-19 bắt đầu vào tháng 10. Foxconn đã buộc phải chuyển một số hoạt động sản xuất của họ sang các nhà máy khác ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Apple đã làm việc với các nhà cung cấp linh kiện để giảm bớt thời gian chờ đợi lâu bất thường – khoảng 23 ngày, đối với khách hàng mua iPhone ở Mỹ, theo nghiên cứu của ngân hàng Thụy Sĩ UBS.

Tuy vậy, tờ Financial Times nhận định việc Trung Quốc đảo ngược chính sách Zero COVID chưa hẳn sẽ là một tín hiệu khởi sắc, thay vào đó sẽ là một rủi ro lâu dài hơn đang dần hiện diện. Rủi ro đối với doanh thu của Apple trong năm 2023 đã tăng lên khi các dự báo cho thấy nguy cơ tử vong tại Trung Quốc vì COVID-19 sẽ gia tăng trong những tháng mùa đông tới sau khi các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt dần được dỡ bỏ.

Hồi đầu tháng 11, Apple đã đưa ra cảnh báo về sự gián đoạn “đáng kể” trước kỳ nghỉ lễ. Các nhà phân tích nhất trí rằng doanh thu của công ty trong quý này sẽ giảm ngay dưới mức 123,9 tỷ USD, với lợi nhuận ròng dự kiến ​​sẽ giảm hơn 8%, theo ước tính của ngân hàng do Visible Alpha tổng hợp.

Điều này sẽ chặn đứng kỷ lục tăng trưởng doanh thu trong 14 quý của Apple, khi công ty gặp phải tình trạng thiếu hụt từ 5 triệu đến 15 triệu chiếc iPhone. 

Theo Finacial Times, một cửa hàng Apple ở khu mua sắm chính của Bắc Kinh đã phải cắt giảm giờ làm việc vào tuần trước vì tất cả công nhân của họ đều bị ốm. 1/5 doanh thu của Apple đến từ mảng bán hàng ở Trung Quốc, trong khi hơn 90% iPhone được lắp ráp tại quốc gia tỷ dân này. Đối thủ điện thoại thông minh Samsung đã rời Trung Quốc vào năm 2019, đồng thời đa dạng hóa quy trình lắp ráp tại ít nhất 4 quốc gia.

Horace Dediu, nhà phân tích độc lập tại Asymco, cho biết, những khó khăn trong hoạt động và sản xuất của Apple trong những tháng gần đây có thể kéo theo cuộc khủng hoảng nhu cầu ở Trung Quốc khi người tiêu dùng điều chỉnh lại thói quen chi tiêu.

Các chuyên gia dự đoán lợi nhuận Apple trong quý cuối năm sẽ tiếp tục giảm sút
Các chuyên gia dự đoán lợi nhuận Apple trong quý cuối năm sẽ tiếp tục giảm sút.

Khó khăn khi chuyển trọng tâm sang Ấn Độ

Theo Financial Times, Trung Quốc sở hữu một vị thế quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Apple khi chiếm hơn 1/5 doanh thu của Táo khuyết, đồng thời là nơi chịu trách nhiệm sản xuất hơn 90% iPhone toàn cầu. 

Horace Dediu, nhà phân tích tại công ty tư vấn Asymco, cho rằng hoạt động sản xuất và bán hàng của Apple sẽ tiếp tục bấp bênh trong vài tháng tới do nhu cầu mua smartphone mới giảm sút. “Ở các khu vực khác, giai đoạn giãn cách đã khiến nhu cầu nhiều mặt hàng tăng cao do chuyển sang làm việc tại nhà và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, khách hàng Trung Quốc lại dè chừng và sẽ không mua những món hàng có giá trị lớn trong năm tới”, chuyên gia nhận định.

Do đó, những đối tác cung ứng quan trọng nhất của Apple như Foxconn, Pegatron và Wistron đã tìm cách đối phó bằng cách mở rộng hoạt động sang Ấn Độ.

Apple đang lên kế hoạch mở rộng ở Ấn Độ trong cả lĩnh vực bán lẻ và sản xuất, bao gồm 100 cửa hàng nhượng quyền mới và tăng gấp ba lần sản lượng iPhone trong hai năm tới.

Theo AppleInsider, đây là quyết định được Apple đưa ra sau một thời gian cân nhắc và lên kế hoạch chuyển một số chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc để chuyển sang các quốc gia khác. Tuy nhiên, điều này khó có thể đạt được trong thời gian tới.

Nguyên nhân là do mới chỉ có một số ít nhà cung cấp linh kiện điện tử từ Đại lục chuyển nhà máy sang nước láng giềng Nam Á này để hỗ trợ cho các nhà sản xuất theo hợp đồng của “Nhà Táo”, chẳng hạn như Foxconn Technology Group.

“Việc các nhà cung cấp linh kiện chính chuyển sang Ấn Độ sẽ khó khăn hơn so với việc những công ty lớn như Foxconn hay Wistron chuyển trọng tâm sản xuất”, Ivan Lam, chuyên gia phân tích cấp cao của Counterpoint Research cho biết. “Nếu các nhà cung ứng này chỉ có duy nhất 1 khách hàng tại đó, thì việc thiết lập cửa hàng không hợp lý về mặt kinh tế”.

Lam cũng cho hay, một số nhà cung cấp linh kiện chính ở Trung Quốc giờ đã có mặt tại Ấn Độ, chẳng hạn như công ty công nghệ quang điện Hauxing Thẩm Quyến, công ty điện tử Sundowa và công ty công nghệ quang học Sunny. Các công ty này hiện đang là đối tác kinh doanh với Xiaomi, Oppo và Vivo tại thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới.

Việc thu hút thêm các nhà cung cấp linh kiện chuyển sang Ấn Độ là một trong những thách thức lớn nhất với các công ty sản xuất theo hợp đồng của Apple trong bối cảnh họ tăng cường đa dạng hoá chuỗi cung ứng tại châu Á khi Covid-19 tại Trung Quốc gây ra nhiều sự gián đoạn.

Di chuyển ra khỏi quốc gia mà Apple đã xây dựng chuỗi cung ứng sâu rộng suốt 2 thập kỷ qua là điều không hề dễ dàng với tất cả các bên. Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, cần tới 8 năm để chuyển 10% năng lực sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc, nơi đang sản xuất xưởng 98% số iPhone của “Nhà Táo”.

Tháng trước, Upasana Joshi, Giám đốc nghiên cứu tại IDC Ấn Độ nhận định rằng, việc chuyển dịch hoàn toàn mạng lưới bán buôn iPhone từ Trung Quốc sang các nước khác tại châu Á “không phải là giải pháp khả thi” đối với Apple cũng như các đối tác cung ứng của họ.

Mai Anh (t/h)