Nỗi niềm bữa ăn bán trú…

15:37 10/02/2023

Tết đến Xuân về, bên bữa ăn gia đình ấm áp sum vầy, mỗi em lại nhớ về bữa ăn bán trú cùng bạn bè thầy cô…. Việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đòi hỏi nhà trường phải thực sự chú trọng kiểm tra, giám sát. Chỉ cần "buông" một chút là có thể "có chuyện ngay"… Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của các trường hiện nay là phục vụ công tác giáo dục, vấn đề an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú ở nhiều nơi trở thành gánh nặng cho nhiều nhà trường…

Trăn trở bữa ăn học đường

Thực tế, câu chuyện chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú ở các nhà trường lâu nay vẫn được phụ huynh quan tâm, báo chí đề cập nhưng chỉ thực sự nóng lên khi ở nơi này, nơi kia có sự cố, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. 

Ảnh minh họa
Nhân viên nấu ăn chuẩn bị suất ăn cho các em học sinh. 

Sau vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang, vấn đề an toàn bữa ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng lại được đặc biệt quan tâm hơn bao giờ hết.

Hiện nay, ở Hải Phòng phần lớn các trường tiểu học đang duy trì mô hình tự mua thực phẩm, ký hợp đồng nhân công làm bếp và chế biến suất ăn cho học sinh tại trường. Cách làm này có thuận lợi là giá thành rẻ hơn chút nhưng lại bộc lộ nhiều hạn chế, gây áp lực lớn cho chính Ban Giám hiệu nhà trường bởi đây là hoạt động mang tính dịch vụ, khác xa với chuyên môn ngành sư phạm nên để các trường tự tổ chức sẽ khó thành chuyên nghiệp, bài bản. Ban Giám hiệu nhà trường vừa phải lo công tác chuyên môn vừa phải tìm nhà cung cấp thực phẩm, nấu ăn, vận chuyển và tính toán bài toán kinh tế sao cho cân bằng giữa khả năng của phụ huynh và chất lượng dịch vụ đặc biệt đảm bảo an toàn VSTP thì khó  có thể vẹn tròn  trong mọi thời điểm. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa. 

Nhiều Hiệu trưởng cho biết, việc tổ chức nấu ăn bán trú, thầy cô chịu nhiều áp lực, tâm trạng lúc nào cũng căng thẳng. Nhiều phụ huynh có tâm lý "con vàng, con bạc", dù chưa biết đúng sai, họ chỉ biết áp lên vai nhà trường hai tiếng trách nhiệm. Đáng nói hơn, việc đầu tư công vào nhiều trường nhất là khu vực ngoại thành còn hạn chế, cơ sở vật chất phục vụ bán trú như nhà ăn bếp nấu chật chội thiếu thốn. Nhiều Hiệu trưởng phải loay hoay vận động, xã hội hóa không được và thu không đúng quy định nên không ít các thầy cô đứng đầu nhà trường không mặn mà, thậm chí hạn chế học sinh ăn bán trú mặc dù khối lớp 1 và lớp 5 đều học 2 buổi trên ngày. 

Cùng giám sát…

Bữa ăn bán trú được coi là vô cùng quan trọng nhằm cung cấp năng lượng cho học sinh tiếp tục buổi học thứ hai ở trường. Vì vậy, để trẻ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực, các trường học cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng thực phẩm cũng như chế độ dinh dưỡng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng bữa ăn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bữa ăn bán trú trong trường học an toàn? Nhiều nhà trường và phụ huynh hy vọng có những những doanh nghiệp “đủ tâm và đủ tầm” đứng ra đảm bảo cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh để mỗi bữa ăn của học sinh không chỉ bảo đảm dinh dưỡng, ngon mà còn an toàn, sẵn sàng đảm bảo từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khi chế biến. 

Ảnh minh họa
 

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết: Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh nhiều phụ huynh ngày nay đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, không thể đón con về nhà để lo bữa trưa. Tuy nhiên, việc tổ chức bữa ăn cho hàng trăm học sinh không phải việc đơn giản vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như dinh dưỡng, y tế, kinh tế. Khi phải kiêm thêm những việc này, các trường phải phân tán thời gian, trí tuệ, công sức lẽ ra dành cho việc tổ chức giảng dạy mà chất lượng của các hoạt động dịch vụ nhiều khi vẫn không được bảo đảm. Chính vì thiếu tính chuyên nghiệp nên mới có hàng loạt vụ việc đáng tiếc liên quan bữa ăn cho các em tại trường. 

Bởi vậy, tổ chức ăn bán trú theo mô hình ký hợp đồng dịch vụ, thuê công ty chế biến suất ăn chuyên nghiệp, uy tín, có tâm và có tầm tới tận trường nấu sẽ là một phương án tốt.  Với cách làm này, đơn vị chế biến suất ăn sẽ lo toàn bộ quy trình từ lên thực đơn theo quý (đảm bảo không bữa ăn đa dạng, đủ chất), chọn nguồn thực phẩm, kiểm tra chất lượng thực phẩm, vệ sinh nhà bếp, giám sát chế biến và chịu toàn bộ trách nhiệm về an toàn bữa ăn của học sinh. Khi đó, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát bếp ăn, có nhiều thời gian tập trung cho chuyên môn quản lý giáo dục hơn.

Theo Quyết định 1660/QĐ-TTg 2021 Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học gồm các chỉ tiêu như: 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% trường học ở khu vực nông thôn xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm; 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định.

Cũng theo khảo sát của phóng viên thì đông đảo phụ huynh tỏ ý tán thành cách làm thuê đơn vị chuyên về bếp ăn tới nấu tại trường bởi quy trình quản lý, bảo quản thực phẩm và chế biến vừa đảm bảo, vừa chuyên nghiệp, thực đơn phong phú đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Khi họ làm thuê, Ban Giám hiệu và đại diện phụ huynh có thể đến kiểm tra bất cứ lúc nào và kiểm soát được các khâu từ khi tiếp phẩm tới khi sơ chế, nấu chín, lưu mẫu, chia thức ăn cho học sinh. Nếu Ban Giám hiệu đứng ra tự sản xuất 100% bếp ăn bán trú thì người giám sát sẽ là phụ huynh và khó kiểm soát được các khâu tiếp phẩm, chế biến.
Nguyễn Lương