Phú Thọ nỗ lực chuyển đổi phương thức phát triển từ nông nghiệp sang dịch vụ thương mại

08:03 18/10/2022

Những năm gần đây, thương mại nội tỉnh ở Phú Thọ đã có bước phát triển mạnh ở cả ba khu vực: Thành thị, nông thôn, miền núi. Hệ thống các chợ, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng phát triển mạnh; đặc biệt là chợ vùng nông thôn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều cửa hàng đã được mở dọc hai bên TL.317E địa bàn xã Hoàng Xá (Thanh Thủy)
Nhiều cửa hàng đã được mở dọc hai bên TL.317E địa bàn xã Hoàng Xá (Thanh Thủy). 

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 197 chợ; trong đó có 3 chợ hạng một, 9 chợ hạng hai, 113 chợ hạng ba, 72 chợ hàng bốn với vài chục nghìn điểm kinh doanh đang hoạt động ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các chợ truyền thống, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường. Tính đến nay, tỉnh có bốn trung tâm thương mại, 15 siêu thị và một số cửa hàng tiện ích mua hàng theo phương thức tự chọn; hàng chục nghìn cửa hàng bán lẻ, các loại hàng hóa có mặt tại các vùng nông thôn được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn của cá nhân.

Cùng với đầu tư xây dựng chợ, các địa phương tập trung quy hoạch, khuyến khích nhân dân hình thành các tuyến phố thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị và đầu tư các công trình kho tàng, bến bãi để thúc đẩy giao thương buôn bán giữa các vùng miền, khắc phục sự khan hiếm hàng hóa thiết yếu, đồng thời tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các huyện, thành, thị đã tiến hành rà soát toàn bộ các nội dung theo tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, từ đó đầu tư, nâng cấp, cải tạo các hạng mục còn thiếu. Ngoài việc chú trọng đầu tư, xây mới chợ theo đúng quy hoạch, các địa phương đã thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương, chỉ ra những hạn chế của các chợ dân sinh trên địa bàn để khắc phục, đảm bảo các tiêu chí theo quy định.

Chợ Trung tâm (Việt Trì) là nơi trung chuyển, tiêu thụ nhóm hàng nông sản, thực phẩm.
Chợ Trung tâm (Việt Trì) là nơi trung chuyển, tiêu thụ nhóm hàng nông sản, thực phẩm. 

Nhiều chợ đã được đầu tư các khu thương mại, dịch vụ tập trung như chợ Trung tâm (Việt Trì), chợ Mè (thị xã Phú Thọ), chợ Sơn Vi (Lâm Thao), chợ Hoàng Xá (Thanh Thủy) là nơi trung chuyển, tiêu thụ nhóm hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau màu, cây vụ đông, thịt gia súc, gia cầm.

Riêng đối với huyện Yên Lập, sau khi được Nhà nước đầu tư nâng cấp Quốc lộ 70B, đoạn đi qua địa bàn huyện Yên Lập 66km đã đưa nhịp sống của người dân nơi đây sôi động hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, một số dự án, công trình lớn, cụm công nghiệp được đầu tư đi vào hoạt động; khai thác hiệu quả bền vững các sản vật đặc trưng như lúa nếp, gà gáy Mỹ Lung, sản xuất tinh dầu quế ở Trung Sơn, trồng cây gỗ lớn, sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu, chế biến chè đã tạo bước chuyển biến mới trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là thương mại dịch vụ ở Yên Lập.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển dịch vụ thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt trong việc xây dựng, quản lý quy hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tại mỗi địa phương.

Trong thời gian tiếp theo, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu như: Sản xuất với thu mua; chế biến với bảo quản, lưu thông, tiêu thụ, phát triển các cửa hàng tiện ích; đẩy mạnh thông tin và xúc tiến thương mại, tạo lập môi trường thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư, khai thác hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.

P.V