Phú Thọ: Phát triển nông sản của dân tộc Mường tại xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn)

22:39 13/06/2023

Với tư duy nhạy bén, cách làm sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thị trường, nhiều nông dân ở xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn) đã trở thành những chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát đạt, nâng tầm sản vật của đồng bào dân tộc Mường.

Đàn dê của anh Bùi Văn Tiến, xã Võ Miếu
Đàn dê của anh Bùi Văn Tiến, xã Võ Miếu.

Xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn) là xã miền núi, không nhiều điều kiện thuận lợi như các địa phương khác, để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, Đảng bộ, chính quyền xã Võ Miếu đã xác định tập trung thực hiện khâu đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị hàng hoá trong mỗi sản phẩm nông nghiệp.

Sinh ra và lớn lên trên đất rừng Võ Miếu, anh Bùi Văn Tiến (sinh năm 1988) sau tốt nghiệp THPT, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được tuyển vào làm nhân viên Công ty Xăng dầu, được vài năm, thấy không phù hợp với cuộc sống phố thị, công việc nay đây mai đó, anh Tiến quyết định xin nghỉ việc về nhận đấu thầu Đập Củ, đầu tư xây dựng trang trại. Gần 1ha đất rừng sản xuất của gia đình được anh đầu tư cải tạo xây dựng chuồng trại nuôi lợn rừng, dê.

Anh Tiến tập trung vào xây dựng lại chuồng trại đảm bảo thoáng mát, phù hợp với đặc tính giống dê cỏ; tạo môi trường có bóng mát, vũng sình lầy cho đàn lợn rừng sinh sống bán hoang dã. Nhờ đó, dẫu giá bán cao hơn hẳn các trại nuôi thông thường (100.000 đồng- 110.000 đồng/kg lợn hơi), nhưng mỗi năm hai lứa lợn với số lượng khoảng 120-140 con của anh luôn được khách hàng đến đặt hàng trước.

Anh Tiến cho biết thêm: Chưa thể tính được thu nhập, lợi nhuận hàng năm vì hiện trang trại vẫn đang trong quá trình đầu tư, lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, tôi chắc chắn những sản phẩm của mình sẽ được thị trường chấp nhận, ưa chuộng do không những đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn có chất lượng vượt trội. Lợi thế của chúng tôi là nguồn thức ăn chăn nuôi tại chỗ và đặc biệt là nguồn nước suối mát lạnh. Sắp tới, tôi sẽ tính toán để có thể đầu tư hệ thống máy lọc nước theo quy chuẩn, cung cấp nguồn nước tinh khiết cho thị trường.

Sản phẩm thịt chua Nga Hợp của bà Đinh Thị Mai, xã Võ Miếu
Sản phẩm thịt chua Nga Hợp của bà Đinh Thị Mai, xã Võ Miếu.

Sinh năm 1964 ở xã Văn Miếu, đến tuổi biết giã gạo, thổi cơm cũng là lúc bà Đinh Thị Mai được bố đẻ dạy bảo cách làm các món ăn truyền thống của người Mường để “sau này về nhà người ta làm dâu còn biết sắp cơm cúng, làm cỗ đãi người thân, bạn bè. Và rồi khi về làm dâu tại xã Võ Miếu, những món ăn do bà chế biến đã được người thân, khách đến chơi tấm tắc khen ngợi.

Đặc biệt thịt chua bà Mai đã nức tiếng quanh vùng, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, chị Hà Thị Nga là con gái thứ ba bàn với mẹ đứng ra mở xưởng sản xuất thịt chua Nga Hợp cung cấp cho thị trường. Cũng tại Lễ hội Đền Hùng năm nay, trong gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm nông nghiệp của huyện Thanh Sơn có thêm sản phẩm thịt chua Nga Hợp được nhiều khách hàng đánh giá có hương vị độc đáo, khác lạ.

Năm 2023 sẽ là dấu mốc quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, phát triển của xã Võ Miếu. Sau bao năm nỗ lực phấn đấu, tập trung huy động các nguồn lực với quyết tâm, tinh thần đồng thuận, chung tay góp sức, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay, xã đã hoàn thành các tiêu chí, đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào quý III năm 2023.

Ông Đinh Văn Lượng- Chủ tịch UBND xã Võ Miếu khẳng định: Nhất quán mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Đảng uỷ, UBND xã đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương trên cơ sở tận dụng, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông lâm nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thực hiện đẩy mạnh mục tiêu phát triển cây công nghiệp, mở rộng diện tích trồng cây nguyên liệu, cây đặc sản và đào tạo nguồn nhân lực...

P.V