Phú Thọ: Từng bước tháo gỡ khó khăn cho các HTX nông nghiệp ở Lâm Thao

20:11 04/08/2023

Huyện Lâm Thao đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, sản xuất cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện.

HTX Rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao
HTX Rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 35 HTX đang hoạt động thu hút hơn 15 nghìn thành viên tham gia, trong đó có 31 HTX nông nghiệp chiếm 86%, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động thường xuyên; thu nhập bình quân đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng.

Đồng thời, toàn huyện có 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao và hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao.

Các HTX phát triển tương đối ổn định cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất xây dựng liên kết tạo vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, nhiều HTX không có tiềm lực về vốn, lại không tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng nên sản xuất còn dậm chân tại chỗ, chưa có sự bứt phá, chưa thu hút được nguồn lực để xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, có quy mô lớn, nguồn lực để đầu tư cho các mô hình điểm còn hạn chế.

Chia sẻ về những khó khăn cũng, anh Nguyễn Văn Nghĩa – Giám đốc HTX Rau an toàn Tứ Xã cho biết: “Với những khó khăn ban đầu kể từ khi thành lập, đến nay sau gần bảy năm hoạt động, HTX đã ổn định về tổ chức bộ máy và đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới HTX chưa đủ nguồn lực vì thế mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc hệ thống bảo quản sau thu hoạch và phát triển thêm một số sản phẩm".

Mô hình trồng ngô sinh khối của HTX Nông nghiệp Lâm Thao
Mô hình trồng ngô sinh khối của HTX Nông nghiệp Lâm Thao.

Là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng ngô sinh khối, ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm Thao, xã Phùng Nguyên cho biết: “HTX hiện đang liên kết sản xuất với một số công ty bò sữa để làm thức ăn chăn nuôi đảm bảo thị trường đầu ra ổn định. Nhưng hiện nay cung không đủ cầu bởi chúng tôi chưa có nhiều diện tích để trồng ngô sinh khối, việc thuê, mượn đối với những diện tích bỏ không còn gặp nhiều khó khăn, bất cập vì thế cần có cơ chế hỗ trợ tích tụ tập trung đất đai, đáp ứng nhu cầu thuê, mượn để trồng ngô sinh khối, áp dụng công nghệ, các mô hình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển, huyện cũng đã tăng cường các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các HTX trong thủ tục đăng ký thành lập, vay vốn; đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, công nhận sản phẩm OCOP; chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP hay các mô hình liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Quang Anh – Bí thư Huyện ủy cho biết: Lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban chuyên môn sẽ trực tiếp đồng hành cùng với các HTX trên địa bàn huyện để nắm bắt tình hình hoạt động, khó khăn vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ cho các HTX tham gia các chương trình phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để duy trì và hoạt động tốt, đồng thời huyện cũng đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND, ngày 5/10/2022 nhằm đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho các HTX.

Bên cạnh đó, HTX cũng cần phải đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy vai trò tối đa của mình, chủ động và sáng tạo, đặc biệt nơi nào HTX, doanh nghiệp có tổ chức Đảng nơi đó càng cần phải hành động quyết liệt hơn để đưa HTX, doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả. 

P.V