Phục hồi xanh sau Covid-19: Chiến lược mới cho ngành công nghiệp dầu mỏ

21:31 05/07/2021

Đại dịch đã buộc các công ty dầu mỏ phải xem xét lại chiến lược hoạt động của ngành.

Có ba yếu tố chính đã làm thay đổi thị trường toàn cầu: thứ nhất, tình trạng đóng cửa các nhà xưởng, nhà máy,... đã khiến nhu cầu sử dụng dầu giảm nghiêm trọng, nhiều chuyến bay quốc tế bị hủy bỏ kéo theo tổng tiêu thụ dầu trên thế giới ở mức ảm đạm; thứ hai, giá cổ phiếu của các công ty dầu lớn suy giảm nhanh chóng vì thị trường đang đặt cược vào một “nền kinh tế xanh”; thứ ba, so với dầu mỏ, các nguồn năng lượng tái tạo có giá thấp hơn hai phần ba cho mỗi kilowatt giờ, đặc biệt tại Trung Quốc có thể lắp đặt các giải pháp với giá cả cạnh tranh hơn nữa.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, sản lượng dầu, khí đốt và các sản phẩm tinh chế trên toàn cầu đã giảm 3,4% trong năm 2020 so với năm trước đó trước khi bùng phát Covid-19. Tuy nhiên, sự sụt giảm này thậm chí còn rõ rệt hơn ở các nước sản xuất dầu ở Mỹ Latinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Chiến lược mới ở các nước sản xuất dầu mỏ

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Biden đã cấm khai thác sử dụng công nghệ nứt vỡ thủy lực (Hydraulic Fracturing) mặc dù quốc gia này vẫn là nhà sản xuất hydrocacbon lớn nhất thế giới. Mỹ đã bắt đầu đặt mục tiêu quá trình khử cacbon đồng nghĩa với cần phải thúc đẩy năng lượng tái tạo. Nhiều công ty tại đây trở thành nhà phân phối “năng lượng xanh” và đóng cửa các mỏ than truyền thống, cung cấp nguồn năng lượng rẻ hơn.

Châu Âu đang thay thế dầu bằng khí đốt hóa lỏng được gửi bằng tàu từ các cảng của Hoa Kỳ. Về phần mình, Đức đóng cửa các nhà máy nhiệt điện dùng để đốt than và tháo dỡ các nhà máy điện hạt nhân, thay thế bằng khí đốt do Nga cung cấp thông qua các đường ống dẫn khí đốt. Số lượng các mỏ khí đốt tăng lên với mức giá thấp hơn giá của các mỏ dầu ở Châu Phi, Úc và Đông Nam Á. Hơn hết, không có một quốc gia mới nổi nào có thể đạt được sự phát triển bền vững bằng cách xuất khẩu dầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến nghị các nước này đa dạng hóa nền kinh tế để đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế mới. Vậy chiến lược nào cho các nước sản xuất dầu ở Mỹ Latinh như Colombia, Mexico và Brazil?

Các nhà sản xuất dầu ở Mỹ Latinh

Vào tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Colombia tuyên bố rằng nước này cần phải đa dạng hóa nền kinh tế vì quốc gia đã quá phụ thuộc vào việc khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Ông cho rằng phải tiếp tục công nghiệp hóa do thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ cũng như du lịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nước này đưa ra chiến lược mới cho phép tập đoàn năng lượng Ecopetrol tăng cường đầu tư vào Hoa Kỳ, khai thác dầu từ lưu vực Permian ở Texas nhằm nâng cao năng suất. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Trước đó, Colombia thông báo rằng Ecopetrol đã chào mua công khai cổ phần của ISA Group với giá 4 tỷ đô la. Đến nay, ISA là công ty truyền tải điện lớn nhất ở Mỹ Latinh với mạng lưới phân phối riêng. Sau thương vụ này, Ecopetrol có thể trở thành công ty năng lượng thống trị các mỏ khai thác dầu ở Colombia và Tây Texas, đồng thời sản xuất bán buôn điện với mạng lưới riêng và các kết nối quốc tế.

Triển vọng tương lai

Các công ty dầu mỏ đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc loại bỏ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, khi giá dầu giảm, nhiều công ty dầu khí tư nhân không thể trả cổ tức. Các nước sản xuất dầu ở Mỹ Latinh, đặc biệt là ở Mexico và Colombia, không còn đủ khả năng kiếm nguồn thu từ dầu mỏ. Lần lượt các khu vực từ Ả Rập Xê-Út đến Colombia và Mexico từng bước thúc đẩy đa dạng hóa, hiện đại hóa toàn ngành. Nhiều công ty dầu mỏ đã và đang chuẩn bị cho một “nền kinh tế xanh”. Các doanh nghiệp lớn ở châu Âu tuyên bố mục tiêu chuyển đổi sang ngành điện quang trong vòng 20 năm. Đại dịch và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris cho năm 2030 cũng đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cấu trúc kinh tế của các quốc gia. Thời gian không còn nhiều cho các công ty dầu mỏ và các công ty công nghiệp để ngừng phát thải khí nhà kính và thích ứng với thế giới kỹ thuật số mới. Do đó, Tổng thống Biden cũng đã cấm khoan ở các mỏ dầu khí ở Alaska và trong khu vực ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Bắc Cực, bãi bỏ các biện pháp mà cựu Tổng thống Trump đã áp dụng. Các chiến lược mới dần xuất hiện ở các nước công nghiệp phát triển của phương Tây, đặc biệt là từ các nước ký kết Hiệp định Paris, nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide và tất cả các quá trình công nghiệp.

TL