Quảng Ninh: Cần đột phá hơn trong năm 2022

23:55 10/12/2021

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, Quảng Ninh đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo phát triển bứt phá, do đó, phải tận dụng được những lợi thế để có giải pháp tạo những đột phá.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Đó là các giải pháp về nhà ở, thiết chế xã hội cho công nhân lao động cũng như chiến lược thu hút lao động nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, thúc đẩy sản xuất gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số. Cần thêm giải pháp mới để tạo động lực để phát huy hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn, đóng góp cho GRDP của địa phương.

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cần sớm ban hành chính sách để tạo ra bùng nổ trong ngành du lịch, dịch vụ. Về văn hóa - xã hội, cần có chính sách cho vùng khó khăn nhiều hơn, nhất là y tế, giáo dục, hạ tầng.

Nhiều chủ đề quan trọng như nâng cao chất lượng nguồn thu ngân sách nhà nước, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển các dự án hạ tầng, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động...đã được các đại biểu trong kỳ họp thảo luận tích cực với mục tiêu cao.

Bàn về vấn đề cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn thu ngân sách nhà nước, ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ các khoản mất cân đối, đặc biệt là vấn đề hụt thu.

Theo ông Ngân, trong năm 2022, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cần chú ý tham mưu xây dựng kế hoạch hợp lý, sát với thực tế, trên cơ sở phân tích rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp trước mắt và giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài để giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong hụt thu. 

Trong đó, Quảng Ninh cần sớm có cơ chế, giải pháp sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình, dự án; qua đó vừa đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn vừa bảo vệ môi trường bền vững.

Bí thư Huyện ủy Vân Đồn- Trương Mạnh Hùng cho rằng, địa phương này có số thu thuê đất, sử dụng đất cao nhưng lại không có tính bền vững, trong khi có các khoản thu phí, lệ phí không cao. Các dự án cũng đang trong giai đoạn triển khai đầu tư nên việc thu thuế từ hoạt động của các dự án sẽ có độ trễ. Cộng đồng doanh nghiệp của Vân Đồn quy mô còn nhỏ.

Do đó, ông Hùng đề nghị HĐND tỉnh Quảng Ninh cho phép Vân Đồn được áp dụng tỷ lệ điều tiết các khoản chia như theo tờ trình của UBND tỉnh đến hết năm 2025 do địa phương mới bước vào cơ chế tự cân đối ngân sách; đồng thời được sử dụng phần thu đột biến bù vào những nội dung hụt thu và cho phép đấu giá các quỹ đất xen kẹp.

Cùng nội dung này, Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả- Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, HĐND tỉnh xem xét định mức chi cho hoạt động môi trường cho phù hợp, đồng thời, xây dựng tỷ lệ riêng cho các địa phương vượt thu từ tiền thuê đất một lần để tạo động lực cho các địa phương trong hoạt động thu ngân sách.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Ninh- Phạm Thị Hồng Hạnh cho rằng, cần có giải pháp đủ mạnh để khắc phục tình trạng giải ngân vốn chậm hiện nay, trong đó đề nghị chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư bao gồm cả các thủ tục liên quan đến đất đai. 

Bà Hạnh nhấn mạnh, khi đã bố trí vốn thì phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng điều chỉnh kế hoạch vốn, điều chỉnh dự án nhiều lần.

Liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh- Cao Tường Huy đề nghị, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của các ngành, địa phương, nhất là đối với bốn địa phương chuẩn bị về đích năm 2022. Cùng với đó là việc bố trí nguồn lực kịp thời để thực hiện các dự án hạ tầng cũng như phát triển sản xuất, nâng thu nhập cho người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, Bí thư Huyện ủy Hải Hà- Phạm Xuân Đài, cho rằng, trong nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm, bổ sung giải pháp về triển khai hệ thống nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. 

Đồng thời, Quảng Ninh cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kết nối ngoài hàng rào các khu công nghiệp; quy hoạch, bố trí quỹ đất nhất định phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp.

PV