Quảng Ninh xưa và nay: Cuộc lột xác ngoạn mục của “vùng đất vàng đen”

13:27 03/09/2023

Từng là xứ sở của than bụi, chỉ có một thị xã bé xíu với con đường chính lầy lội chạy từ bến phà Bãi Cháy đến Cẩm Phả, nay Quảng Ninh đã “thoát kén” để “hóa bướm” đột phá, chuyển mình mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh bền vững...

Ông Cao Tường- quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Ông Cao Tường- quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, Tạp chí Doanh nghiệp và hội nhập đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về cuộc lột xác ngoạn mục của “vùng đất vàng đen”...

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới kinh tế xanh bền vững là mục tiêu chiến lược của cả nước. Quảng Ninh là một trong những địa phương đạt kết quả nổi bật chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh". Vậy hành trình Quảng Ninh phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” như thế nào thưa ông?

Ông Cao Tường Huy: Giai đoạn năm 2010 trở về trước, Quảng Ninh dường như đã đứng trên đỉnh cao của ngành kinh tế “nâu”, tức là phụ thuộc gần như toàn bộ vào khai khoáng. Tuy nhiên, tỉnh sớm nhận diện những yếu tố kìm hãm sự phát triển bền vững của tỉnh. Đơn cử như mô hình tăng trưởng không bền vững, quá phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng và đặc biệt, việc gắn bó lâu dài với công nghiệp nâu đã cho thấy những hậu quả nặng nề, khi môi trường nước, không khí và thậm chí cả tiếng ồn ở Quảng Ninh từng nhiều lần ở mức báo động. Thay đổi là giải pháp trước bài toán bức thiết. Cùng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, tỉnh đã chuyển hướng sang kinh tế “xanh”, tức đặt du lịch và dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, giảm dần khai khoáng.

Được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ địa hình từ núi non, hải đảo, đồng bằng, trung du và biên giới; sở hữu 632 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, nhiều trong đó là khung cảnh đặc sắc, kỳ vĩ hiếm có bậc nhất Việt Nam như Di sản thế giới UNESCO Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long…, nhưng du lịch Quảng Ninh của hơn 10 năm trước còn nghèo nàn cơ sở vật chất, đơn điệu trong sản phẩm và nhỏ lẻ trong đầu tư các tuyến điểm du lịch. Trong ký ức của nhiều du khách thế hệ 7x-8x, Quảng Ninh chỉ có bãi biển Tuần Châu mở cửa tự do phục vụ tắm biển. Thời đó, tour du lịch chủ yếu là tham quan vịnh trong ngày, trên những thuyền gỗ của bà con bản địa. Trên boong tàu, thường có một biểu tượng không thể quên của ngành du lịch Việt Nam thập kỷ 90: Túi nilon đựng bánh mì không và giò chả.

Giờ đây, tại vùng đất chỉ khai khoáng, dịch vụ, du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với chỉ 1,1 tỷ đồng tiền thu phí tham quan của năm 1996, năm 2022, tổng thu từ du lịch của tỉnh đã đạt 25.172 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu 27.000 tỷ đồng từ du lịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ký ức về một Quảng Ninh ô nhiễm, mù mịt bụi than hay những đoạn đường xuống cấp nay cũng thay đổi. Nhờ cao tốc Hà Nội - Hạ Long, quãng đường từ Hà Nội xuống Hạ Long rút ngắn chỉ còn 3 giờ. Ngoài đường bộ, du khách có thể dễ dàng đến đây qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn hay Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

7 năm liên tiếp (2016 - 2022) tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt hơn 10%. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so quy mô năm 2021, GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người.

“Xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là con đường mà Quảng Ninh đang và tiếp tục bước đi để phát triển bền vững. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững của Quảng Ninh?

Ông Cao Tường Huy: Tại Quảng Ninh, việc tiếp tục “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số… là con đường mà địa phương đang và tiếp tục bước đi để phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh, bền vững đã giúp Quảng Ninh xây dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cả du khách và nhà đầu tư.

Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, quan điểm then chốt của Quảng Ninh vẫn là phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào 3 trụ cột: thiên nhiên, con người và văn hoá. Quy hoạch mang tính kế thừa những định hướng chiến lược trước đây, đồng thời xác định những khâu đột phá mới.

Chính quyền địa phương luôn chủ động, kiến tạo và đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia; thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, đầu tầu du lịch của quốc gia, trung tâm logistics của Việt Nam. Phát triển công nghiệp xanh, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường.

Phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Phát triển kinh tế biển, Quảng Ninh cùng với Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của vùng và cả nước. Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, thủy hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn với lợi thế vượt trội của hơn 6.000km2 mặt biển; xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm thủy sản của miền Bắc.

 Với nhiều mô hình mới, sáng tạo, cách làm đột phá, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nội lực vững vàng, Quảng Ninh sẽ có những mực tiêu giải pháp gì để sẵn sàng cho mục tiêu cao hơn là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của miền bắc, thưa ông?

Ông Cao Tường Huy: Từ nền tảng hiện nay, Quảng Ninh đang hướng tới năm 2030 với quyết tâm hành động xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD/năm. Và tới năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Từ kinh nghiệm thành công trong phát triển hơn một thập kỷ qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng công tác lập quy hoạch, chiến lược của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia trở lại của các tư vấn hàng đầu quốc tế: Công ty McKinsey- Hoa Kỳ và Công ty Nikken Sekkei - Nhật Bản, xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông, tổng thể với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia, các nguồn lực nhằm gia tăng giá trị, tăng cường liên kết, hợp tác trong vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Tam giác, Tứ giác phát triển.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh quyết liệt triển khai thực hiện với những cơ chế, chính sách đột phá về nhà ở cho công nhân, lao động, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quảng Ninh quyết tâm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI đã 5 năm ở vị trí số 1), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 4 năm liên tục dẫn đầu)...

Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của Vùng mỏ cùng với ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành đã được trao truyền qua các thế hệ lãnh đạo chính là động lực để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh trong năm 2023, với quyết tâm đạt mức tăng trưởng GRDP hơn 10%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 53.062 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 10%, thu hút vốn FDI ít nhất đạt 1 tỷ USD và phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và xây dựng triển khai chuẩn nghèo mới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc.

Nam Trí Đức thực hiện