Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình

23:39 14/04/2021

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 439-QĐ/TTg, ngày 25/3/2021 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.

Tỉnh Hòa Bình đang phối hợp chỉ đạo xây dựng, ban hành quy định quản lý theo quy hoạch chung xây dựng quốc gia (KDLQG) hồ Hòa Bình được phê duyệt và tổ chức triển khai quy hoạch theo đúng quy định hiện hành. Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng, làm cơ sở để lập các dự án đầu tư xây dựng công trình trong khu du lịch (KDL) theo quy định của pháp luật, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững.  

Quy hoạch có ý nghĩa quan trọng phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG hồ Hòa Bình đến năm 2030 và các quy hoạch có liên quan, nhằm mục tiêu phát triển hồ Hòa Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút về du lịch của vùng trung du và miền núi phía Bắc với các sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình với các loại hình du lịch đa dạng. Dự báo đến năm 2030, dân số đạt 100.000 - 117.000 người; đến năm 2035 khoảng 130.000 - 145.000 người. Quy mô khách du lịch đến năm 2030 khoảng 1,6 - 2 triệu lượt khách; đến năm 2035 từ 2,5 - 3 triệu lượt khách.
Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình
Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình
Không gian phát triển KDL hồ Hòa Bình được hình thành trên cơ sở không gian cảnh quan đồi núi, hệ sinh thái tự nhiên, các giá trị văn hóa tâm linh gắn liền với vùng hồ Hòa Bình; hệ thống giao thông du lịch bao gồm đường bộ, đường thủy là cơ sở để kết nối các khu vực trọng tâm; phát triển du lịch dịch vụ; hình thành các trung tâm du lịch, hậu cần tập trung; kết nối với các danh lam, thắng cảnh, KDL trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; khai thác giá trị về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương, đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển du lịch quốc gia.
Toàn khu vực quy hoạch chia thành 6 phân khu, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 52.200 ha (trong đó có 4 khu vực phát triển du lịch trọng điểm diện tích 21.880 ha). Cụ thể: Phân khu 1 phát triển du lịch mang tính chất động gắn với đô thị Hòa Bình, liên kết với hệ thống cảng Ba Cấp, cảng Bích Hạ (TP Hòa Bình). Phân khu 2 phát triển du lịch sinh thái hồ gắn với cảnh quan sông Đà, hồ Hòa Bình (thuộc huyện Đà Bắc). Phân khu 3 phát triển du lịch đồi núi cao phía Bắc và hồ Hòa Bình (thuộc huyện Cao Phong và Đà Bắc). Phân khu 4 là phân khu trung tâm của khu quy hoạch, với các hoạt động du lịch đặc trưng như mua sắm, phố đi bộ, công viên chuyên đề, du lịch văn hóa tâm linh... (thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc). Phân khu 5 phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảng Phúc Sạn, kết nối với khu du lịch Mai Châu (Mai Châu). Phân khu 6 là khu vực thiên nhiên hoang dã phía Tây, trung tâm du lịch sinh thái tự nhiên gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, đồng thời tận dụng lợi thế của tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đi qua để kết nối tạo thành cửa ngõ phía Tây của KDLQG hồ Hòa Bình (thuộc huyện Đà Bắc).
Thời gian thực hiện quy hoạch chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2025, tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tại các khu chức năng có không gian đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, tạo động lực phát triển toàn bộ KDL. Giai đoạn 2 từ năm 2025 - 2035, đầu tư xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng các khu chức năng và quản lý phát triển theo quy hoạch xây dựng.

 PV