Sự thật về "ngành công nghiệp" mang thai hộ ở Trung Quốc

10:51 20/01/2021

Ngành công nghiệp" mang thai hộ ở Trung Quốc đang trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận nhiều nước. Trên thực tế, nhu cầu "đẻ thuê - mang thai hộ" vẫn luôn tồn tại, thậm chí còn ngày càng phổ biến và thu lợi nhuận cao ngất ngưởng.

Hôm 18/1/2021, nữ diễn viên Trịnh Sảng đã gây ra một vụ scandal khi thông tin cô ruồng bỏ hai đứa con sau khi do nhờ mang thai hộ được công khai rộng rãi và trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận nhiều nước.

Trong đoạn video, bố mẹ nữ diễn viên cũng bàn rằng sau khi hai đứa trẻ ra đời, nên đem cho người khác làm con nuôi. Video được ghi năm 2020, và hiện tại, hai đứa trẻ đã hơn một tuổi, được bố chúng - doanh nhân Trương Hằng - bảo bọc bên Mỹ, nhưng chưa có đủ giấy tờ pháp lý để được về Trung Quốc. Trong khi đó, người bố đã sắp hết hạn thị thực và buộc phải về nước.

Sau khi scandal, ngành công nghiệp "mang thai hộ" ở Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận nhiều nước.

Nhu cầu thuê người mang thai hộ thường xuất phát từ những cặp vợ chồng giàu có ít có khả năng sinh con do lập gia đình muộn.
Nhu cầu thuê người mang thai hộ thường xuất phát từ những cặp vợ chồng giàu có ít có khả năng sinh con do lập gia đình muộn.

Quy luật bất biến của thị trường là có cầu ắt sẽ có cung. Trên thực tế, nhu cầu "đẻ thuê - mang thai hộ" vẫn luôn tồn tại, thậm chí còn ngày càng phổ biến và thu lợi nhuận cao ngất ngưởng.

Nhu cầu thuê người mang thai hộ thường xuất phát từ những cặp vợ chồng giàu có ít có khả năng sinh con do lập gia đình muộn. Nhiều người cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí, đất trồng và nước góp phần làm gia tăng các trường hợp vô sinh, mặc dù điều này chưa được khoa học chứng minh. Một số cặp vợ chồng tìm đến dịch vụ mang thai hộ vì đứa con duy nhất của họ đã qua đời. Đó là những lý do khiến dịch vụ mang thai hộ bùng nổ và dẫn đến nhiều câu chuyện buồn.

Theo tờ QQ, việc mang thai hộ là không được phép tại Trung Quốc, nó vẫn diễn ra hàng ngày và là một thị trường sôi động với chi phí trung bình của một "thương vụ" từ 650.000 tệ đến 980.000 tệ. Ước tính, tại Trung Quốc có 8.000 đường dây tổ chức mang thai hộ, đa phần tập trung tại Vũ Hán, Quảng Châu, Bắc Kinh.

Một trong những lý do khiến việc mang thai hộ gây tranh cãi, là tình trạng ruồng bỏ những đứa trẻ sơ sinh. Tờ Time Weekly (Trung Quốc) từng dẫn chứng trường hợp một bà mẹ 47 tuổi là Ngô Yến Yến mang thai hộ một cặp vợ chồng, nhưng sau đó lại bị "trả lại hàng", rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Lý do bị "trả lại hàng", vì cô Ngô được chẩn đoán mắc giang mai trong giai đoạn có bầu (dù không hiểu vì sao lại bị - cô nói có thể lây nhiễm những người cùng phòng trong quá trình sinh hoạt chung). Không biết làm cách nào vì đã ở giữa thai kỳ, người phụ nữ quyết định cứ sinh đứa con gái ra, rồi sẽ cho ai đó làm con nuôi. Tuy nhiên, sau khi con chào đời, cô mềm lòng vì đứa trẻ "có lúm đồng tiền xinh xắn", nên quyết định giữ lại để nuôi. Hiện tại, cô gặp khó khăn trong việc làm khai sinh cho đứa bé do không có giấy chứng sinh, DNA của trẻ lại không phải của cô do không có quan hệ di truyền với đứa trẻ.

Một trường hợp khác, cặp vợ chồng gần 40 tuổi ở Thượng Hải thông qua một trung gian môi giới mang thai hộ đã ký một thỏa thuận đẻ thuê. Theo thỏa thuận này, nếu đứa trẻ ra đời là con trai và khỏe mạnh, người mang thai hộ sẽ được trả 740.000 tệ. Đúng thời hạn, một bé trai đã được giao cho đôi vợ chồng, tiền cũng được trả đầy đủ. Tuy nhiên sau đó, cậu bé được phát hiện có khiếm khuyết về thính giác. Giữa hai bên nảy sinh tranh chấp. Hai vợ chồng yêu cầu công ty mang thai hộ hoàn trả các chi phí trước đó, với lý do đứa trẻ không được như trong giao kèo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hai trong số những lý do phổ biến nhất dẫn đến việc những đứa trẻ bị ruồng rẫy sau hợp đồng mang thai hộ là sức khỏe em bé không đáp ứng yêu cầu, hoặc quan hệ của vợ chồng đổ vỡ trước cả khi em bé chào đời. Trong vụ việc mang thai hộ của Trịnh Sảng và Trương Hằng, diễn viên Trịnh Sảng muốn bỏ rơi hai đứa bé vì mối quan hệ của cô với vị doanh nhân đã rạn nứt.

Ở lý do đầu được đề cập, những hợp đồng mang thai với mục tiêu giúp sinh con trai thường bị phá vỡ khi thai nhi được phát hiện là gái.Trong trường hợp này, đa phần người mẹ mang thai hộ sẽ phải bỏ cái thai. Do đó, trong nhiều hợp đồng, điều khoản ràng buộc giữa người đi thuê với công ty trung gian là nếu thai nhi là gái, công ty sẽ phải trả lại 100% tiền cho người thuê mang thai hộ. Hoăc chỉ cần người mẹ mang thai hộ sinh non, đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, người mang thai hộ lẫn công ty trung gian sẽ phải chịu mọi trách nhiệm. Khi khả năng sinh sản trở thành hàng hóa, không chỉ quyền và lợi ích của những người mang thai hộ không được đảm bảo, quyền con người của trẻ sơ sinh cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

Cũng như phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, mang thai hộ được coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Nhưng sự kết hợp giữa tình trạng vô sinh đang gia tăng, cùng với sự nới lỏng của chính sách 1 con tại nước này đã dẫn đến sự bùng nổ thị trường đen mang thai hộ ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Những loại hình đẻ thuê "chui" vẫn luôn tồn tại, điển hình là dưới dạng những tờ quảng cáo "việc nhẹ lương cao" hấp dẫn xuất hiện đầy rẫy trong các nhà vệ sinh nữ.

Lyly