Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhờ nhận thức về ESG và kinh tế tuần hoàn

20:35 06/06/2024

Hiện nay, thực thi ESG kết hợp phát triển kinh tế tuần hoàn là yếu tố bắt buộc cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế còn rất khó khăn trong cách triển khai chính sách và việc tiếp cận nguyên tắc này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thực thi ESG là trách nhiệm của các doanh nghiệp

Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng là một trong số các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực.

Có thể thấy rằng, mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là một tham vọng rất lớn mà Việt Nam đang hướng tới để có thể hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ của mình theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trước yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đang dần thay đổi cả chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững, điều tra thăm dò, thiết kế, chế biến, phân phối, thu gom, vận chuyển, tái chế và tái sử dụng chất thải...

Để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam hiện đang khuyến khích doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để tăng uy tín doanh nghiệp đồng thời đáp ứng các điều kiện về hàng rào thuế quan vào các thị trường đòi hỏi “xanh” như EU và Hoa Kỳ.

Hiện nay, thực thi ESG là yếu tố bắt buộc cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế còn rất khó khăn trong cách triển khai chính sách và việc tiếp cận nguyên tắc này.

Tại toạ đàm Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và Kinh tế tuần hoàn diễn ra chiều hôm nay (6/6), ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Việc áp dụng ESG là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nhận thức mới nên cần có chủ trương và chiến lược cụ thể. Đồng thời, cần hướng dẫn chi tiết, không thể để các doanh nghiệp đi theo phòng trào mà nên thực hiện phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ngoài ra, nhà nước có thể cùng vào các hiệp hội để tháo gỡ vướng mắc về nhận thức, đưa ra các định hướng cho các doanh nghiệp".

ông Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hợp Quốc
Ông Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hợp Quốc.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hợp Quốc nhận định: "Nói đến chuyển đổi xanh, với vai trò là một cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ nói về mặt chuyển đổi kinh tế vĩ mô nhưng nói đến ESG thì đó là sự chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã sản xuất, đã kinh doanh thì sẽ gây ô nhiễm môi trường. Do đó khi nói đến ESG, đặc biệt là ở Việt Nam là nói đến trách nghiệm của các doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội.

E,S,G đều là 3 yếu tố rất quan trọng để một doanh nghiệp có thể kinh doanh bền vững. Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đồng hành với chuỗi giá trị toàn cầu. Việc bản thân mình xanh không phải chỉ để tốt cho môi trường mà mình xanh là mình tạo trách nhiệm của mình đối với khách hàng. Nghĩa là cả chuỗi cung ứng, cả chuỗi giá trị phải xanh. Do đó, không phải xanh chỉ là vì tự nguyện mà là việc xanh là phải bắt buộc tuân thủ các quy định của những người mua, của những khách hàng của mình. Khái niệm ESG thực ra là khá mới ở Việt Nam và đặc biệt rất mới với các doanh nghiệp Việt vì 98% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì thế nên họ không có một hệ sinh thái đầy đủ để có thể chuyển đổi xanh mà họ phụ thuộc rất nhiều vào yêu cầu của khách hàng, phụ thuộc nhiều vào nỗ lực chuyển đổi xanh của các đơn vị cung ứng nguyên liệu cho họ".

Có thể nói, nỗ lực để hiểu về ESG và thực hành tốt được ESG ở Việt Nam là một câu chuyện không phải để xây dựng hình ảnh, để hào nhoáng ban đầu mà đó là một chiến lược thực sự nghiêm túc và phải lâu dài, đòi hỏi từ cấp cao nhất của doanh nghiệp, đó là Hội đồng quản trị. "Hội đồng quản trị không chỉ nói ra mồm mà phải đưa ra các chỉ đạo cụ thể bằng văn bản và có cam kết cả định tính lẫn định lượng để giúp doanh nghiệp vừa kinh doanh tốt mà lại phát triển bền vững", ông Nam chia sẻ.

ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo trong "xanh" hóa, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam - chia sẻ thêm với phóng viên: "Tập đoàn hiện nay đang áp dụng tiêu chuẩn ESG trong quản trị, trong đó quản trị về môi trường, quản trị về trách nhiệm xã hội, điều kiện làm việc cho người lao động, tăng cường tính tự động hoá để giảm sự vất vả người lao động trong thực hiện sản xuất sản phẩm. Quá trình này cũng làm tăng năng sất lao động của ngành dệt may nói chung trong 10 năm qua. Cùng với đó, chúng tôi cũng thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp để tạo sự minh bạch không chỉ trong doanh nghiệp với nhau mà quan trọng hơn là nói cùng 1 ngôn ngữ chung với các khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu để chúng ta cùng số hoá, cùng trao đổi được dữ liệu với các khâu sản xuất khác nhau trong cả 1 chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may".

Thực thi ESG kết hợp phát triển kinh tế tuần hoàn

Cũng tại toạ đàm, theo các chuyên gia, việc áp dụng nguyên tắc ESG cần đi kèm đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và đây được coi là một lợi thế cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Ông Nam chia sẻ, nói về kinh tế tuần hoàn, đây là thứ rất quan trọng cho doanh nghiệp, không chỉ là để bao vệ môi trường mà còn giúp hiệu quả về mặt kinh tế. Một doanh nghiệp sản xuất, nếu nguyên liệu là nguyên liệu xanh để đưa vào sản xuất mà phải nhập khẩu từ 1 quốc gia rất xa thì sẽ rất khó. Nhưng nếu nguyên liệu ấy được cung ứng bằng ngay nguyên liệu của doanh nghiệp nằm ngay cạnh mình thì chi phí vận tải hoặc những cái về giá thành nó vừa rẻ hơn nhưng nó còn đòi hỏi về mô hình kinh tế tuần hoàn phải theo chuỗi giá trị. Do đó, một khu công nghiệp xanh không thể cung ứng được tất cả các dịch vụ xanh và các chuỗi cung về đầu vào xanh. Chính vì vậy, việc phát triển được các chuỗi, các cụm khu công nghiệp và công nghiệp phụ trợ để phục vụ nền kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng và rất cần thiết.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cái khó của họ trong việc thực thi mô hình kinh tế tuần hoàn là họ không có được đề bài cụ thể, có được những dự án cụ thể để chứng minh dự án họ làm là xanh. Nhận định về thực tiễn này, ông Nam nói: "Hiện nay trên giới đã chứng minh là tiền chưa bao giờ nhiều như lúc này, tuy nhiên không thể giải ngân được. Vì khi một người nói rằng họ có dự án xanh nhưng lại không có một đề cương đủ để đảm bảo tính rủi ro. Do đó, tiền không thể giải ngân được. Qua đây, thông điệp tôi muốn gửi đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam là hãy xây dựng cho mình những chiến lược xanh đủ dài và những dự án xanh đủ khả thi đảm bảo yếu tố lợi nhuận, đảm bảo yếu tố khả thi và đảm bảo tính xanh theo các tiêu chí, chuẩn mực không chỉ ở trong nước mà các chuẩn mực ở trong khu vực cũng như quốc tế".

Hiện nay, tại Việt Nam, theo Luật Bảo vệ môi trường đã có những điều quy định trong Nghị định số 08/2022 của Chính phủ về các tiêu chí cho 1 dự án xanh để huy động tài chính xanh như tín dụng xanh hoặc là trái phiếu xanh. Tuy nhiên hiện nay dự thảo của quyết định Thủ tướng về các tiêu chí môi trường chưa được hoàn thiện. Trong lúc chờ đợi Việt Nam có được bộ phân loại xanh cho các dự án xanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng bộ tiêu chí xanh của thế giới. Cụ thể, doanh nghiệp có thể dùng bộ tiêu chí xanh toàn cầu của châu Âu, của ASEAN, của các nước, các thị trường mà chúng ta đang có hàng hoá xuất khẩu sang. Các tiêu chí xanh ấy là hoàn toàn sẵn có, việc các doanh nghiệp có được dự án xanh có thể bắt đầu bằng cách bám theo các tiêu chí sẵn có đó trong thời gian chờ đợi Chính phủ và các bộ ngành liên quan ban hành bộ tiêu chí phân loại xanh cho Việt Nam.

Từ góc độ là một doanh nghiệp đang đi đầu trong nỗ lực về áp dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Trường chia sẻ: "Chúng tôi là ngành sản xuất dệt may và hơn 90% sản lượng chúng tôi để xuất khẩu. Chính vì thế, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường, về sản xuất xanh và tuần hoàn. Nếu không đạt được yêu cầu này thì chắc chắn hàng hoá Việt Nam cũng không thể thâm nhập được thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản,… Vì thế, doanh nghiệp chúng tôi luôn phải bám đuổi các tiêu chuẩn ở các nước, cập nhập kịp thời các xu thế thay đổi. Trong 4 năm vừa qua, với sự suy giảm của kinh tế thế giới, các yêu cầu về sản xuất xanh không được đẩy mạnh như dự kiến. Các yêu cầu này vẫn dừng lại ở mức khuyến khích, vận động người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm xanh. Cho nên ở trong nước, chúng tôi tập trung vào những khâu vừa là thực hiện sản xuất xanh, tuần hoàn, vừa mang tính chất tiết kiệm được nguồn lực và qua đó giảm được giá thành của sản phẩm dệt may từ Việt Nam, điển hình như tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên vật liệu có khả năng tái chế,… Đấy là những hành động của Tập đoàn dệt may trong các năm vừa qua để hướng tới kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn".

, việc áp dụng nguyên tắc ESG cần đi kèm đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh
Việc áp dụng nguyên tắc ESG cần đi kèm đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Nâng cao nhận thức ESG qua việc quan tâm hơn đến việc thu thập dữ liệu, tín chỉ carbon

Để xóa bỏ các rào cản trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ngoài việc cải thiện các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp cần phải xác định và thực hiện việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên. Bằng cách này, họ có thể phát triển các chương trình đào tạo và quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Việc đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng là điều nên thực hiện. Đồng thời, xây dựng văn hóa tiêu dùng các sản phẩm xanh, bền vững từ đó ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo trách nhiệm, đạo đức kinh doanh" - ông Trường nhận định.

Ông Nguyễn Phương Nam cũng nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng cần chú trọng hơn vào việc thu thập dữ liệu, tín chỉ carbon. Điều này đòi hỏi cần có một quá trình dài hạn, ngoài ra việc doanh nghiệp ghi lại các hoạt động hàng ngày sẽ giúp họ có được dữ liệu chính xác hơn. Điều này sẽ giúp họ thấy việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh không chỉ là một nhiệm vụ môi trường mà còn là một cơ hội cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Bảo Bảo