Thấy gì từ môi trường kinh doanh tại Singapore

00:00 12/10/2020

Từ năm 2003-2017, Singapore liên tục được xếp hạng là quốc gia có “Chỉ số thuận lợi trong kinh doanh” cao nhất. Năm 2018, Singapore xếp thứ hai trên thế giới, chỉ sau New Zealand. Chỉ số này thể hiện rằng Singapore sở hữu một môi trường pháp lý thuận lợi không những trong việc khởi sự một dự án kinh doanh, mà còn trong quá trình hoạt động của công ty đó.

Singapore nổi tiếng bởi hệ thống chính sách công bằng, minh bạch, có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư và tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh minh họa

Singapore nổi tiếng bởi hệ thống chính sách công bằng, minh bạch, có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư và tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ. Mặc dù vậy, Chính phủ Singapore vẫn liên tục cải cách môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thông qua việc đổi mới trong công tác kiểm tra, đánh giá, loại bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, rút ngắn số lượng thủ tục, thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Năm 2020, Điểm thuận lợi trong kinh doanh (Điểm DB) của Singapore đã tăng từ 85,2 năm 2019 lên 86,2, chênh lệch 1 điểm DB. Mức tăng này đồng nghĩa Singapore đã thu hẹp khoảng cách so với ngưỡng điểm tối đa thêm 6,8%. Đóng góp vào sự tăng điểm tổng thể này là nhờ sự cải thiện điểm số của 3 chỉ số, Bảo vệ nhà đầu tư (tăng 6 điểm), Cấp phép xây dựng (tăng 13,2 điểm) và Tiếp cận điện năng (tăng 0,5 điểm), ngoài ra không có chỉ số nào giảm điểm.

Chỉ số được ghi nhận sự cải thiện đáng kể đu nhất trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Singapore là chỉ số “Bảo vệ nhà đầu tư” với sức bật tăng 6 điểm trong giai đoạn 2018 – 4/ 2020, tương đương việc rút ngắn thêm 30% so với ngưỡng điểm tuyệt đối, cải thiện vị trí xếp hàng từ thứ 7 lên thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau Kenya và Malaysia. Sự cải thiện trong môi trường kinh doanh của Đảo quốc Sư tử về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư được thể hiện rõ nét nhất thông qua những điều chỉnh trong cơ chế quản lý “Mức độ quản trị của các cổ đông” . Theo Ngân hàng thế giới (WB), để đánh giá mức độ quản trị của các cổ đông, các nhà đầu tư cần quan tâm đến những quy định về quyền cổ đông, sự kiểm soát và sở hữu, và sự minh bạch của doanh nghiệp. Về tiêu chí quyền của cổ đông, sau khi WB loại bỏ bốn điều kiện đánh giá, Singapore đạt 5/6 điều kiện bao gồm: Yêu cầu phải có chấp thuận của cổ động đối với những trường hợp bán 51% tài sản của công ty; những cổ đông sở| hữu 10% vốn cổ phần có quyền tổ chức họp cổ đông; yêu cầu phải có chấp thuận của cổ đồng mỗi lần phát hành cổ phiếu mới; các cổ đông có quyền lựa chọn và sa thải đơn vị kiểm toán độc lập; các điều khoản về quyền của một loại cổ phiếu chỉ có thể được thay đổi nếu có sự chấp thuận của những nhà đầu tư nắm giữ nó. Đây là 5 điều kiện mà môi trường kinh doanh của Singapore đã đạt được từ năm 2019, ngoài ra còn một điều kiện mà đến năm 2020 Singapore vẫn chưa đạt được là việc các cổ đông hiện hữu sẽ luôn luôn nhận được quyền ưu tiên mỗi khi công ty phát hành cổ phiếu mới. 

Về tiêu chí đánh giá mức độ minh bạch của doanh nghiệp, năm 2020 WB đánh giá trên 7 điều kiện thay vì 10 điều kiện như năm 2019. Tuy nhiên, cũng giống như chỉ số trước, vẫn tồn tại hai điều kiện mà Chính phủ Singapore chưa thể hoàn thiện là việc công khai mức thù lao chi trả cho đội ngũ quản lý và việc yêu cầu bắt buộc phải gửi thông báo chi tiết về cuộc họp đại hội đồng cổ đông trước 21 ngày. Đây cũng là 2 điều kiện thiếu sót phổ biến tại các quốc gia khu vực ASEAN. Ngay cả Malaysia, quốc gia được xếp hạng thứ 3 thế giới về chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư với 88 điểm DB, các doanh nghiệp cũng chưa hoàn toàn thực hiện được việc thông báo chi tiết về thông tin cuộc họp đại hội đồng cổ đông trước đủ 3 tuần. 

 

Sự cải thiện trong môi trường kinh doanh của Đảo quốc Sư tử về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư được thể hiện rõ nét nhất thông qua những điều chỉnh trong cơ chế quản lý “Mức độ quản trị của các cổ đông” . Ảnh minh họa

Về tiêu chí đánh giá mức độ kiểm soát và sở hữu doanh nghiệp của cổ đông, Malaysia vượt trội hơn Singapore về điều kiện bắt buộc các doanh nghiệp phải trả cổ tức đã thông báo trong một khoảng thời gian tối đa theo luật định, tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều không có quy định cấm bổ nhiệm cùng một người đồng thời đảm nhiệm hai vai trò là Giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty. Tóm lại, sự tăng điểm chỉ số “Bảo vệ nhà đầu tư” của Singapore trong giai đoạn 2019 - 2020 chỉ là do WB điều chỉnh giảm bớt điều kiện đánh giá các chỉ tiêu thành phần, cụ thể hơn môi trường kinh doanh tại Singapore vẫn tồn tại những yếu tố chưa hoàn thiện về Bảo vệ nhà đầu tư.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, chỉ số “Cấp phép xây dựng” của Singapore đã tăng 3,2 điểm DB, làm giảm sự cách biệt về điểm số để đạt BRP là 21%. Để đạt được mức tăng điểm này, Singapore đã cắt giảm và thay thế một số thủ tục, chi phí và thời gian thực hiện trong quy trình cấp phép xây dựng. Ví dụ, từ ngày 08/08/2013 Cơ quan Đất đai Singapore bắt đầu triển khai cung cấp Dịch vụ thông tin đất đai tích hợp với mục đích hỗ trợ các công ty xây dựng tư nhân và các kỹ sư tiếp cận nhanh chóng và miễn phí các thông tin liên quan đến các kết quả kiểm tra đất, tính toán kết cấu thông qua nên tảng trực tuyến thay vì phải thuê những đơn vị tư nhân khác thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá mà thường phải mất đến 7 ngày với chi phí khoảng 1.500 USD. Tổng thể, đến năm 2020 Singapore đã cắt giảm thêm một thủ tục, rút ngắn từ 41 ngày xuống 35,5 ngày để nhận được văn bản xác nhận đã hoàn thành thủ tục theo luật định và đồng thời cắt giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp;  bổ sung thêm “Khung kiểm tra rủi ro" vào quá trình kiểm soát chất lượng xây dựng, yêu cầu các chuyên gia xác định theo từng giai đoạn của công trình và thực hiện giám sát để giảm thiểu các lỗ hổng an toàn tiềm ẩn trong quá trình xây dựng. Khung kiểm tra đưa ra những yêu cầu kiểm soát rủi ro theo 3 cấp độ (Thấp, trung bình, cao) tương ứng với mức độ phức tạp, giá trị và loại hình của dự án. Qua đó, Singapore đã xây dựng hệ thống quy định quản lý chất lượng công trình chặt chẽ, kiểm soát rủi ro hơn, đồng thời nâng mức điểm Chỉ số kiểm soát chất lượng xây dựng lên 13/15 điểm. 

Năm 2020, theo đánh giá của WB, Singapore đã nâng thứ hạng chỉ số “Cấp phép xây dựng từ thử 8 lên thứ 5 trên thế giới và Hồng Kông xếp hạng thứ nhất với 93,5 điểm DB. Mặc dù phải mất đến 69 ngày để hoàn thành các thủ tục cấp phép xây dựng, trong khi Singapore chỉ mất 35,5 ngày để hoàn thiện và chi hơn Singapore một thủ tục về số lượng nhưng Hồng Kông lại đạt mức điểm tổng thể cao hơn Singapore là 5,6 điểm. Lý giải cho mức chênh lệch về điểm số này, tại Hồng Kông để nhận được giấy phép xây dựng, nhà đầu tư chỉ mất khoản chi phí bằng 0,3% tổng giá trị đầu tư xây dựng, trong khi đó tại Singapore là 3.3%. Vấn đề này một phần là do Singapore là một quốc gia có diện tích hạn chế, chỉ khoảng 697,3 km2 đất liền, nhỏ hơn diện tích của Thủ đô Hà Nội, nhưng lại là một điểm thu hút rất nhiêu vốn đầu tư. Theo “Báo cáo Đầu tư Thế giới 2019” của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển năm 2018, Singapore đứng thư tư trên thế giới về thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, và Hồng Kông. Việc quản lý chất lượng xây dựng ở Hồng Kông đạt mức điểm cao hơn (15/15) vì lý do kiến trúc sư hoặc kỹ sư, chuyên gia giám sát công trình và công ty xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các lỗ hổng, sai sót tiềm ẩn trong cấu trúc và các vấn đề của công trình trong quá trình sử dụng. Ngược lại Singapore, không bên nào phải chịu trách nhiệm theo luật pháp về những rủi ro tiềm ẩn của công trình và các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình sử dụng. Trung bình, các nước thành viên ASEAN cần thực hiện 14 thủ tục so với 9 thủ tục tại Singapore về cấp phép xây dựng, thời gian để hoàn thành các thủ tục dài hơn gấp 3 lần, và chỉ số kiểm soát chất lượng xây dựng chỉ đạt trung bình 11,7/15 điểm. Như vậy có thể khẳng định, Singpore có hệ thống quản lý vấn đề cấp phép và kiểm soát xây dựng hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về chỉ số “Tiếp cận điện năng”, điểm số của Singapore năm 2020 đạt 91,8, ghi nhận tăng 0,5 điểm, làm rút ngắn khoảng cánh để đạt điểm tối đa thêm 5,7% so với năm 2019. Để đạt được mức tăng điểm này, Singapore đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp đơn đăng ký cho trung tâm khách hàng về việc cung cấp điện năng và nhận kết quả đánh giá từ 9 ngày năm 2019 xuống còn 5 ngày năm 2020. Ngoài ra, chi phí thực hiện các thủ tục tiếp cận điện năng tại Singapore cũng giảm nhẹ 1,3%. Với điểm số 91,8/100, là rất cao, nhưng về mặt thứ hạng, Singapore chỉ đứng thứ 19 trên bảng xếp hạng về chỉ số “Tiếp cận điện năng” theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, cách vị trí thứ nhất là Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất 8,2 điểm (100 điểm DB) và vị trí thứ hai là Hàn Quốc 8,1 điểm (99,9 điểm DB). Tại Singapore, chi phí để hoàn thiện các thủ tục và được cấp điện mất 22% thu nhập bình quân đầu người của quốc gia, tại Hàn Quốc, các nhà đầu tư mất khoảng 34.3% thu nhập bình quân, còn trung bình ở ASEAN mức chi phí là 360,8% thu nhập bình quân đầu người của khu vực. Trong đó, chi phí thực hiện các thủ tục tại các quốc gia ASEAN, bao gồm Myanmar, Việt Nam, Lào, Campuchia, còn rất cao so với mức thu nhập bình quân hàng năm của người dân, lần lượt là 1,067,2% 994,2%, 705,2%, 494,9%.

Là quốc gia đi đầu thế giới trong vấn đề  giải quyết tranh chấp hợp đồng, điều này khẳng định Chính phủ Singapore rất coi trọng mmôi trường kinh doanh, sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Xếp thứ 2 trênbảng xếp hạng thế giới là Hàn Quốc với 84,1 điểm DB. Theo số liệu thống kê, đối với cùng một vụ việc, thời gian xử lý bao gồm: Nộp, tiếp nhận, và lập hồ sơ; xét xử; và thi hành quyết định tại Hàn Quốc sẽ mất gần gấp đôi thời gian so với tại Singapore và trung bình trong khu vực ASEAN sẽ cần gấp 4 lần. Về chi phí, tại Singapore, các bên sẽ phải chi trả khoảng 25% giá trị bồi thường của vụ kiện, cụ thể chi phí luật sư 20%, án phí (án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm) 3% và phí thi hành (lệ phí hồ sơ, giấy tờ) 2%. Ở Hàn Quốc, mức chi phí này chỉ bằng một nửa, tương đương 13% giá trị bồi thường, trong đó, chi phí thuê luật sư là 9% và phí thi hành chưa đến 1% và còn lại là án phí. Trong cơ cấu tổ chức toà án của Singapore có một đơn vị chuyên xử lý các vụ việc thường mại là Toà án Thương mại Quốc tế Singapore, còn ở Hàn Quốc, tất cả các vụ kiện tương tự sẽ được xét xử tại Toà án Dân sự các cấp. Mặc dù luật pháp Singapore khuyến khích việc hoà giải giữa các bên, nhưng Chính phủ sẽ không đề nghị bất cứ ưu đãi về tài chính nào để thúc đẩy kết quả này.

Qua những phân tích, đánh giá về các chỉ tiêu, điều kiện kinh doanh tại Singapore, có thể thấy quốc gia này đã đạt được những kết quả quan trọng. Bằng những nỗ lực của Chính phủ, Singapore đã trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Nhìn từ Singapore, có thể thấy Việt Nam cũng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam có thể đưa ra những cải cách hiệu quả hơn trong việc cắt giảm số lượng, thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng hoặc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng số trong công tác quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp. Hệ thống luật pháp quy định công bằng, minh bạch và chặt chẽ hơn như trong cơ chế tiếp nhận, xử lý khiếu nại, quản lý dữ liệu, thông tin đất đai, quy hoạch, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, xử lý tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp...

Điểm DB là điểm trung bình của 10 chỉ số được WB xác định là các yếu tố cơ bản phản ánh thực trạng môi trường kinh doanh tại một quốc gia. 10 chỉ số này bao gồm: “Khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp hợp đồng, và giải quyết vấn đề mất khả năng thanh toán”.

Vũ Hữu Mạnh - Vũ Huy Hoàng